Doanh nghiệp châu Âu mong muốn gia tăng đầu tư vào Việt Nam

(HQ Online) - Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại châu Âu, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tại đây cho biết vẫn đang dự định đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam.
Lạc quan và tin tưởng, hàng tỷ USD vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam
Lần đầu tiên có đoàn tàu hàng chạy thẳng từ Việt Nam sang Châu Âu
Các doanh nghiệp EuroCham tự tin về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam
bất chấp những thách thức ngắn hạn, các DN châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam. Ảnh: Internet
Theo kết quả điều tra chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Eurocham, các doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam. Ảnh: Internet

Tại cuộc gặp với Thủ tướng, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá, Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là thị trường năng động với nhiều tiềm năng và lợi thế. Đồng thời, các doanh nghiệp châu Âu cũng cam kết mở rộng đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp, bày tỏ sự quan tâm trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, bất động sản công nghiệp và nhà ở, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, dược phẩm…

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, các nhà đầu tư từ châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam trên 22 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn FDI. 10 tháng năm 2021, Việt Nam thu hút được hơn 23,7 tỷ USD vốn FDI thì vốn FDI từ châu Âu đạt gần 1 tỷ USD.

Trong đó, tính đến 20/10, Vương quốc Anh có 439 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD. Pháp có 633 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,62 tỷ USD... Nhiều tập đoàn lớn của châu Âu đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp - Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển)….

Mới đây, trong buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Á - Âu, ông Antonino Tedesco, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam cho biết, hiện nay những dự án của Ý cũng như châu Âu đầu tư vào Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, vị này mong muốn Việt Nam sẽ triển khai chiến lược vắc xin một cách tốt nhất để hoạt động đầu tư, giao thương diễn ra một cách tốt đẹp.

Còn với nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng giám đốc Schaeffler Việt Nam (chi nhánh của Tập đoàn Schaeffler đến từ Đức) cho biết, Công ty vẫn đang tiếp tục đầu tư hàng chục triệu Euro cho nhà máy tại Đồng Nai; thời gian tới cũng đang tìm kiếm những doanh nghiệp cơ khí trong nước để xây dựng thành chuỗi ứng cho ngành sản xuất vòng bi ở Việt Nam.

Theo ông Thắng, lợi thế để các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đầu tư vào Việt Nam là nhờ những ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực dồi dào…, nhưng cần tăng cường năng lực, chất lượng của các doanh nghiệp trong nước để gia tăng kết nối.

Đặc biệt, chia sẻ mới đây, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Vụ đã tiếp nhận nhiều thông tin về mong muốn tìm hiểu đầu tư tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, một tập đoàn ở Séc muốn đầu tư nhiều tỷ USD hay tập đoàn sản xuất đồ chơi ở Đan Mạch muốn đầu tư 1 tỷ USD ở Việt Nam. Vị này cho rằng, nhà đầu tư châu Âu xem những khó khăn ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19 chỉ là tạm thời, Việt Nam vẫn có vai trò chiến lược trong sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư châu Âu.

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp châu Âu xác định không rời nhà máy khỏi Việt Nam, bởi nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại thì khó khăn sẽ qua đi. Nhà đầu tư châu Âu đang muốn gia tăng đầu tư vào những lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ cao ở Việt Nam, đặc biệt xem xét dịch chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) vào Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này, có ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các quốc gia châu Âu để thêm cơ hội đầu tư như: EVFTA, UKVFTA... Bên cạnh đó cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất...

Ngày 2/11, bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike (Mỹ). Tại buổi tiếp, ông Noel Kinder đã thông báo việc toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do Covid-19 đã quay trở lại sản xuất.

Đặc biệt, trái với nhiều đồn đoán về việc Nike sẽ rời khỏi Việt Nam trước đây, đại diện lãnh đạo của Nike đã khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều