Doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia "cuộc chơi" tất yếu chuyển đổi số
Chuyển đổi số sẽ là động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế | |
Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi số | |
Chính phủ chọn ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia |
Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 27/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty SAP và Amazon Web Services đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Quản trị sự thay đổi hiệu quả - Yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp”.
Sự kiện này là một trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển chuyển đổi số của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, để duy trì và cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng 4.0, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo những nhu cầu của thị trường bằng cách số hóa các quy trình, mô hình sản xuất kinh doanh và bắt buộc phải tham gia vào cuộc chơi tất yếu mang tên “chuyển đổi số”. Cùng với đó, doanh nghiệp cần kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Một khảo sát của Base.vn phối hợp với FPT cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp Việt Nam có ý định tiếp tục kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng; hơn 77% doanh nghiệp lựa chọn triển khai mô hình kết hợp giữa kinh doanh online và tại chỗ sau dịch. Covid-19 đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, như tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phát triển các kênh online, thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đa chỉ ra một số lợi ích khi doanh nghiệp chuyển đổi số là: giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tối ưu hóa năng suất lao động…
Doanh nghiệp quy mô khác nhau có những khó khăn khác nhau. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Tuy nhiên, Lê Văn Khương cũng nhìn nhận những khó khăn, rào cản lớn của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số như: chi phí đầu tư công nghệ; thay đổi thói quen và tập quán kinh doanh; thiếu nhân lực; thiếu cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau có thách thức và khó khăn khác nhau, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo khảo sát do Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2022, hơn 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, rào cản của doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Đây cũng là rào cản lớn nhất làm chậm lại quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Do đó, ông Trần Công Sơn, đại diện bộ phận tư vấn giải pháp, SAP Đông Nam Á tại Việt Nam đã giới thiệu giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào việc ứng dụng công cụ hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Đại diện Amazon Web Services đã đề xuất giải pháp quản trị sự thay đổi khi ứng dụng điện toán đám mây trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ công ty.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, đầu tư nguồn lực để xây dựng lộ trình chuyển đổi số bài bản; nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như các chương trình đào tạo để phục vụ được nhiều đối tượng trong xã hội, giúp lao động đang làm việc cũng có cơ hội học tập và trau dồi kỹ năng. Mặt khác, Việt Nam cũng cần cải thiện khung pháp lý về kinh tế số, xây dựng thị trường bảo hiểm không gian mạng để giúp doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính khi có vấn đề xảy ra.
Ý kiến bạn đọc