Văn hóa doanh nhân tạo nền tảng tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập

(HQ Online) - Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, việc xây dựng đạo đức doanh nhân đặc biệt quan trọng bởi sẽ đem lại giá trị trong xây dựng văn hóa doanh nhân, tạo nền tảng bền vững cho tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu
Sẽ hỗ trợ chuyển đổi số cho hàng nghìn nữ doanh nhân
Việt Nam có 124 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia và hơn 7 triệu doanh nhân

Phát biểu tại buổi họp báo về Ngày Doanh nhân Việt Nam do VCCI tổ chức sáng 6/10, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI cho biết, đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp. Trong văn hóa kinh doanh, doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia.

Do vậy, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam cần bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng.

Từ vấn đề này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân trong việc tạo sức cạnh tranh, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Vị này cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển với tư duy, tầm nhìn dài hạn. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường thế giới, trở thành trụ cột cho các ngành kinh tế, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Giới thiệu về biểu trưng mới của doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022.
Giới thiệu về biểu trưng mới của doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022.

Theo VCCI, tính đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh với khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, VCCI đánh giá, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Bên cạnh đó, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.

Vì thế, ông Phạm Tấn Công cho rằng, cần phải thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nhân, vinh danh các doanh nhân tiêu biểu để làm tấm gương cho cộng đồng noi theo. Mới đây, VCCI đã công bố bộ tiêu chí quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 tiêu chuẩn gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VCCI sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Tất cả 60 doanh nhân được tôn vinh đều thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo vượt khó, tinh thần tự hào dân tộc. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1940 (82 tuổi), người trẻ tuổi nhất sinh năm 1988 (34 tuổi), có 15 doanh nhân nữ.

Đánh giá về chất lượng hồ sơ doanh nhân tham gia bình xét, Chủ tịch VCCI cho biết, chất lượng cao hơn các kỳ trước, phần lớn doanh nghiệp đều có hồ sơ kiểm toán đi kèm, thể hiện tính minh bạch và quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp, doanh nhân, Ban thư ký cũng phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do ứng viên lãnh đạo, quản lý, đồng thời cũng rà soát các thông tin, dư luận phản ánh trên báo chí, trên mạng Internet liên quan đến ứng viên và doanh nghiệp để tham khảo.

Đây cũng là năm đầu tiên trong bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” có vinh danh Top 10 doanh nhân tiêu biểu nhất, dựa trên tổng hợp doanh nghiệp của các doanh nhân trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 24 nghìn tỷ đồng, có doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94 nghìn lao động trực tiếp.

Năm nay, Chương trình cũng có biểu trưng mới của doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Giới thiệu về biểu trưng mới, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty LeBros cho biết, biểu trưng mới được lấy cảm hứng từ những doanh nhân lớn của dân tộc, được hình tượng hoá từ mũ của Vua Hùng, thể hiện tính trường tồn của dân tộc Việt Nam, văn hoá uống nước nhớ nguồn của người Việt. Biểu trưng có 6 cánh biểu tượng cho 6 tiêu chuẩn quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Đọc nhiều