Đại dịch chưa từng có, doanh nghiệp mong các gói hỗ trợ lớn hơn

(HQ Online) - Bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong nước, nhưng theo các doanh nghiệp, muốn thoát "xấu" nhanh thì phải chống dịch mạnh mẽ hơn và có những trợ giúp hiệu quả hơn.
Nhiều doanh nghiệp Bình Dương trước nguy cơ dừng sản xuất do dịch Covid-19
Nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
VCCI: Nghiên cứu hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao
Nhiều ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: ST
Nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: ST

Doanh nghiệp không thể như "ốc đảo"

Sáng 30/7, BizLIVE đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”.

Phát biểu tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận định, mặc dù dịch bệnh thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chính sách tiêm vắc xin Covid-19 được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai. Hơn nữa, tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa tăng tương đối nhanh nhưng vẫn được kiềm chế tốt so với trước. Xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn rất đáng kể, nhất là khi dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến. Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” của không ít doanh nghiệp đang gặp rất nhiều trục trặc và trở ngại.

Cũng nói về khó khăn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2020, tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ… Nhưng sang đến các tháng nửa đầu năm 2021, tình hình đã tác động nghiêm trọng hơn, khi lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM, Long An…

Tuy nhiên, một vấn đề khác, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đều đang “lúng túng” bởi nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ, rất nhiều vấn đề phát sinh, như tắc nghẽn lưu thông hàng hóa. Doanh nghiệp không thể như “ốc đảo”, nếu không lưu thông thì việc sản xuất – kinh doanh sẽ bị cản trở, chi phí đội lên. Nhưng điều đáng mừng là Chính phủ mới đây đã có nhiều chỉ đạo để tạo thuận lợi hơn cho công tác này.

"Nếu dừng sản xuất thì sẽ ảnh hưởng đến người mua hàng, đối tác trên thế giới. Nếu khách hàng không mua được hàng từ doanh nghiệp Việt Nam, họ sẵn sàng chuyển sang các nhà cung cấp tại quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp nào. Mất bạn hàng là doanh nghiệp mất cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất. Nên đây là tác động nghiêm trọng và dài hạn của các doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hơn nữa, đại diện VCCI còn nhìn nhận, các tác động đến doanh nghiệp thường có độ trễ hơn so với thực tế, nên những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, việc làm, thu ngân sách… sẽ thể hiện rõ hơn vào 6 tháng cuối năm.

Các gói hỗ trợ chưa đủ liều

Bên cạnh khó khăn, nói thêm về triển vọng cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể đang trở nên hấp dẫn hơn trong do xu hướng dịch bệnh trên toàn cầu. Bởi lẽ, dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra rằng không nên tập trung vào một quốc gia, ngành hàng hay một địa điểm vì khi dịch bệnh sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, quản trị của Việt Nam.

Vì thế, theo các chuyên gia tại tọa đàm, tình hình doanh nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung thời gian tới đều phụ thuộc vào công tác chống dịch.

TS. Cấn Văn Lực nêu rõ, Việt Nam cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin Covid-19. Muốn thoát “xấu” nhanh thì phải chống dịch tốt, phải có cách thức hỗ trợ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần kiểm soát kinh tế vĩ mô phải gắn với chính sách một cách khéo léo, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp thị trường, doanh nghiệp vượt khó. Không chủ quan với lạm phát, nhưng không thái quá, tức là không “bóp nghẹt” để khiến nhiều hoạt động bị đình trệ.

Chia sẻ về nỗ lực của doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho hay, doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa.

Ông Trung cho biết, hiện doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ”, tuy nhiên, có một số khó khăn do một số khâu có nhân công không thuộc biên chế công ty như khâu bốc vác, vận chuyển…

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, doanh nghiệp đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị cho quý 4 tới khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, với 60-70% doanh nghiệp bất động sản thuộc lĩnh vực môi giới, thường quy mô nhỏ và vừa nên hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư. Các doanh nghiệp này có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là khó khăn.

Do đó, bà Hương cho biết, hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý 3, quý 4 mà chưa tính tới làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường.

“Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có”, đại diện VCCI nói.

Còn ông Nguyễn Chánh Trung lại mong muốn chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp cần phải cụ thể hơn về chi phí, lãi suất. Với các doanh nghiệp, thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 3% đã giảm xuống rất lớn.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều