Cơ hội phục hồi từ tăng trưởng xanh

(HQ Online) - Tăng trưởng xanh đang là vấn đề được đặt ra cho các nền kinh tế trong bối cách đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực trên toàn cầu. Nhưng để thực hiện được theo phương thức này thì nguồn vốn luôn là nỗi lo của doanh nghiệp.
Hạn chế bắt đáy khi thị trường chưa có một dấu hiệu hồi phục
“Vắc xin” về cơ chế là động lực lớn nhất cho doanh nghiệp phục hồi
USD phục hồi, giá vàng chững lại sau nhiều phiên tăng
Cơ hội phục hồi từ tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh cần được các doanh nghiệp chú ý và đưa ra các phương án thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: ST

“Vắc xin” cho doanh nghiệp

Bàn về vấn đề tăng trưởng xanh với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, ô nhiễm môi trường còn gây rủi ro cao đối với khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam. Đơn cử, thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu và Cơ chế điều chỉnh carbon ở biên giới sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu phải trả tiền tùy thuộc vào lượng khí thải carbon. Các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị tác động bởi các cơ chế vì mức phát thải cao trên mỗi năng lượng sử dụng trong sản xuất (cường độ carbon).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng 235% so với năm 2015); các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường… Vì thế, cơ quan này đang trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với “mục tiêu kép”: vừa đảm bảo tăng trưởng xanh, vừa thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh và bền vững sẽ là “vắc xin” để doanh nghiệp bảo vệ chính mình, giúp trụ vững hơn và tìm được cơ hội thoát khó. Thậm chí, việc “sản xuất xanh” còn tạo cơ hội để doanh nghiệp tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý dành cho doanh nghiệp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Ví dụ như cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, nâng cao quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng…

Chẳng hạn, tại Vinamilk, những chiến lược cụ thể về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đã giúp doanh nghiệp này nâng cao khả năng xuất khẩu, khai phá tốt các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…, phát triển thêm thị trường mới tại các khu vực mới như châu Phi. Không chỉ thế, giá trị của thương hiệu Vinamilk cũng đã tăng lên 2,4 tỷ USD sau một năm 2020 đầy thách thức.

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ cũng đã đầu tư mạnh mẽ và thực hiện các dự án xanh nhằm mục đích xây dựng và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, dự án sản xuất sợi tái chế đã được triển khai từ năm 2016. Đến năm 2020, sợi tái chế đã chiếm tỷ trọng 44,7% trong tổng doanh thu của công ty, tăng 9,7% so với năm 2019. Theo Sợi Thế Kỷ, thông qua việc sản xuất sợi tái chế, công ty đã tái sử dụng trên 2 tỷ chai nhựa, góp phần bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa vốn đang là một trong những vấn đề môi trường đang được báo động khẩn cấp trên toàn cầu.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng đã thể hiện mức độ tuân thủ cao về môi trường, như đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại tất cả các nhà máy, thực hiện đo kiểm môi trường theo định kỳ, thực hiện các biện pháp trồng cây gây rừng, hạn chế chất thải nhà kính; nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất phải an toàn cho môi trường và người sử dụng, quy trình đánh giá nhà cung cấp bao gồm các đánh giá và phỏng vấn về môi trường.

Tín dụng cũng phải xanh

Theo kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Tương tự, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi và hướng đến lối sống bền vững ổn định, có lợi cho sức khỏe. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng cũng như định hướng phải đi của các doanh nghiệp nếu muốn phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp, đầu tư cho sản xuất xanh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, đến hết quý 1/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh là gần 335 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Trong đó, tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm hơn 39% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 37%. Nhưng việc triển khai cung ứng vốn cho các doanh nghiệp phát triển xanh, bảo vệ môi trường vẫn cần được quyết liệt hơn nữa.

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình cung cấp tín dụng xanh rất kịp thời. Hồi tháng 5/2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký kết Thỏa ước tín dụng Hạn mức tín dụng xanh SUNREF để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. AFD đã giao BIDV triển khai một số dự án như Dự án Truyền tải điện miền Bắc trị giá 40 triệu EUR, Dự án hỗ trợ chương trình phát triển nhà ở cho nhân dân vũng lũ lụt Đồng bằng sông Cửu Long trị giá 25 triệu EUR. Sacombank cũng dành gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, cho vay lên đến 70% nhu cầu vốn đầu tư dự án điện mặt trời dành cho khách hàng doanh nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với lãi suất từ 8,5%/năm…

Để tăng hiệu quả cấp tín dụng cho các dự án về môi trường, Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam từ năm 2018 đã yêu cầu các ngân hàng từng bước tăng tỷ trọng tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng. Phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay. 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh...

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều