Cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập, đặt mục tiêu lợi nhuận 6.300 tỷ đồng

(HQ Online) - Ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023, với 11/12 tờ trình được thông qua.
Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng đã cận kề, nhiều thông tin mới được hé lộ
MSB dự kiến kết quả kinh doanh thận trọng hơn, không chia cổ tức
MSB xác nhận đang chuẩn bị phương án sáp nhập với một ngân hàng khác
MSB đặt mục tiêu lợi nhuận 6.300 tỷ đồng trong năm 2023.
MSB đặt mục tiêu lợi nhuận 6.300 tỷ đồng trong năm 2023.

Theo đó, ĐHĐCĐ MSB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Theo ban lãnh đạo MSB, kế hoạch năm 2023 được đặt ra trên cơ sở thận trọng, vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kiểm soát nợ xấu.

MSB sẽ đẩy mạnh tiến độ chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân của Ngân hàng bán lẻ để mảng này trở thành động lực tăng trưởng chính của MSB. Hơn nữa, theo kế hoạch của MSB, trong giai đoạn từ 2023 đến 2025, MSB sẽ tiếp tục đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho mảng công nghệ, hiện thực hóa mục tiêu 70-80% giao dịch được thực hiện trên kênh số, đồng thời giảm thời gian sản phẩm ra mắt thị trường xuống 4 tuần/sản phẩm.

Vì thế, MSB không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Ban lãnh đạo cho biết, tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý. Ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng, tạo nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Dự kiến, khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, ngân hàng sẽ trình bổ sung phương án.

Trả lời thêm về vấn đề này trước cổ đông, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ngân hàng vừa tăng mạnh vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo cũng kỳ vọng có thể bán được công ty tài chính FCCOM trong năm nay thì cổ đông sẽ có được mức cổ tức cao hơn. Vị này cũng khẳng định, MSB sẽ thực hiện chia cổ tức nhưng chia bao nhiêu và thời điểm nào thì HDQT đang cân nhắc, bởi đây là quyền lợi và tài sản của cổ đông.

Liên quan đến hạn mức tín dụng được cơ quan quản lý cấp cao nhất trong đợt đầu của năm 2023 nhưng MSB đã dùng gần “cạn” ngay trong quý 1/2023, Tổng giám đốc MSB cho biết, dự nợ của MSB không phải lớn, nhưng từ cuối năm 2022, nhu cầu tín dụng tại MSB đã sẵn có nên khi vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng thì MSB lập tức giải ngân cho khách hàng. Ông Nguyễn Hoàng Linh nêu rõ, danh mục tín dụng được cơ quan quản lý kiểm soát rất kỹ cũng như yêu cầu ngân hàng phải được cấp tăng trưởng cao thì phải tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên, không thể đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro.

Thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2023, ban lãnh đạo MSB cho biết, tổng tài sản ngân hàng ước đạt 236.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022; tín dụng tăng 13,17%; cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng; tổng thu nhập hoạt động tăng 19%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng 2%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng; CAR theo quy định là 11,55%; NIM ở mức cao so với mặt bằng chung đạt 5,1%.

Vấn đề đáng chú ý nhất tại ĐHĐCĐ của MSB năm nay là việc HĐQT trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, với hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập, thấp hơn mức 65% theo quy định, thì tờ trình này đã không được ĐHĐCĐ thông qua.

Trước đó, theo tờ trình ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều