Có đơn hàng đến hết quý 3, doanh nghiệp gỗ vẫn nhiều lo lắng
Nhiều thương hiệu quốc tế lớn tìm mua đồ nội thất Việt Nam | |
Kiểm soát chặt nguồn gốc để tăng tốc xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ | |
Ngành gỗ đứng thứ 3 về thặng dư xuất khẩu |
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm đạt 3,98 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 0,7%.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, tốc tăng trưởng 4% trong 3 tháng đầu năm là rất khả quan đối với ngành gỗ.
Hiện tại, nhu cầu gỗ và đồ nội thất nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là hết năm. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu xuất khẩu ngành gỗ đạt 16 tỷ USD trong năm 2022 có khả năng thực hiện được.
Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương cho biết, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của Công ty đã kín đến hết quý 3/2022, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý 4/2022.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được thực thi như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%.
Bên cạnh đó, Trung Quốc-thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới đang thực hiện chiến lược “Zero Covid-19” khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn…
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) nhấn mạnh: “Nhờ các FTA ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương đã thuận lợi đưa hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác. Các FTA đang tác động rất thuận cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam".
Dù đơn hàng dồi dào, song theo bà Dương Thị Minh Tuệ, hầu hết các DN đang phải “đau đầu” vì nhiều chi phí phát sinh kể từ thời điểm cả nước gỡ bỏ phong tỏa cho đến nay. Điển hình như chi phí xăng dầu, nhiên liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí phụ trợ cũng tăng theo.
Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và thêm vào đó là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container, giá cước phí vận tải đường biển tăng quá cao dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp.
"Trong vấn đề vận chuyển, logistics, 2 năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tại Trung Quốc, khi tình trạng dịch bệnh lan truyền có thể tại các cảng của Trung Quốc cũng sẽ bị ùn tắc, điều đó sẽ tiếp tục kéo dài thời gian vận chuyển, đẩy giá cước tiếp tục duy trì ở mức cao", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan.
Một trong các yếu tố khác gây ảnh hưởng tới hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp còn là giá gỗ nguyên liệu tăng cao.
Ông Olivier Richard, Giám đốc Công ty Richard Négo Bois (một công ty cung gỗ nguyên liệu hàng đầu tại Pháp-PV) cho rằng, với tình trạng khan hàng và giá gỗ lên quá cao như hiện nay, các nhà sản xuất cần phải nắm bắt thời cơ kịp thời khi ký các đơn hàng nhập nguyên liệu, đồng thời doanh nghiệp cũng nên tính tới phương án chuyển loài gỗ sử dụng để giảm áp lực về giá.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan trong 3 tháng đầu năm 2022, trừ xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc và Canada. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là xuất khẩu tới Nhật Bản đạt 396,8 triệu USD, tăng 11,3%; tới Trung Quốc đạt 353 triệu USD, giảm 0,7%; tới Hàn Quốc đạt 248,8 triệu USD, tăng 18,4%... |
Ý kiến bạn đọc