Chuyển đổi số, chiến lược tất yếu để doanh nghiệp hồi phục và phát triển

(HQ Online) - Theo các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, là lựa chọn duy nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và hồi sinh mạnh mẽ qua đại dịch, tránh tụt hậu so với các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Sẽ có 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số năm 2022
Doanh nghiệp chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới
Chuyển đổi số cơ hội để doanh nghiệp hồi phục và phát triển. Ảnh: T.D
Chuyển đổi số cơ hội để doanh nghiệp hồi phục và phát triển. Ảnh: T.D

Hỗ trợ chính sách chuyển đổi số

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2022 diễn ra ngày 15/4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đặc điểm kinh tế TPHCM với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế thành phố.

Đáng chú ý, TPHCM đã vượt qua vô vàn khó khăn của đại dịch Covid-19, chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số.

Theo ông Mãi, TPHCM ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…

Đặc biệt, triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm Hợp tác về chuyển đổi số với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn Thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung; Triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030”; Phát triển đồng bộ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030…

Ngoài ra, để tạo môi trường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, trên phạm vi toàn cầu, đại dịch đã thúc đẩy tốc độ áp dụng kỹ thuật số, chuyển đổi sự phát triển khi các doanh nghiệp và người dân chấp nhận các giải pháp hỗ trợ công nghệ trong giáo dục, y tế, giao thông, khí hậu và hơn thế nữa.

Do đó, đây là thời điểm phù hợp để TPHCM tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, đưa nền kinh tế kỹ thuật số trở thành ưu tiên hàng đầu để phục hồi kinh tế và đầu tư vào khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Vượt qua thách thức

Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh là nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp.

Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2022, ông Dương Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT khẳng định, chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, là lựa chọn duy nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và hồi sinh mạnh mẽ qua đại dịch, tránh tụt hậu so với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới mới… Chỉ khi nắm bắt và vận dụng tốt cơ hội chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt nam nói chung, doanh nghiệp tại TPHCM nói riêng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TPHCM khẳng định chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm, sứ mạng của các doanh nghiệp CNTT thành phố trong việc cùng thành phố triển khai chương trình này. “Chuyển đổi số đã tạo ra các ngành và các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới, vì vậy nếu áp dụng chuyển đổi số vào hành chính công chắc chắn sẽ tạo ra mô hình hành chính công phục vụ người dân theo phương thức mới”, ông Long phân tích.

TPHCM đặt mục tiêu năm 2025, kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của thành phố; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Riêng năm 2022, phấn đấu kinh tế số đóng góp 15% GRDP thành phố.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này theo các chuyên gia, TPHCM cần phải thực hiện bốn bước chính gồm có sẵn chính sách, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng; đồng thời đề xuất TPHCM cần có chính sách hỗ trợ cho các công ty chuyên về dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Dữ liệu mở cần công khai cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều