Chủ động ứng phó, chính sách thuế carbon tạo động lực cho chuyển đổi xanh

(HQ Online) - Theo các chuyên gia, biện pháp đánh thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là thách thức trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo thêm động lực đổi mới để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam Doanh nghiệp cần chuyển đổi để thích ứng với cơ chế CBAM của EU Doanh nghiệp xuất khẩu và bài toán trung hòa carbon
Đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM ở EU là sáu mặt hàng gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Ảnh: ST
Đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM ở EU là 6 mặt hàng gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Ảnh: ST

Làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững”

Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Liên minh châu Âu (EU) sẽ đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. CBAM đã được áp dụng từ ngày 1/10/2023 với giai đoạn chuyển tiếp và từ tháng 1/2026 sẽ được thực hiện đầy đủ.

Bên cạnh EU, chính phủ Anh cũng đã tuyên bố sẽ áp dụng cơ chế CBAM của riêng mình từ năm 2027. Hoa Kỳ đã và đang cân nhắc việc đánh thuế carbon hàng nhập khẩu. Nhật Bản cũng có kế hoạch áp dụng thuế carbon với các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch như các công ty năng lượng, lọc dầu, sản xuất thép bắt đầu từ năm tài khóa 2028-2029.

Với Việt Nam, tác động trước mắt sẽ là đối với những mặt hàng xuất khẩu sang EU. Hiện tại, đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM ở EU là 6 mặt hàng gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, trong đó 4 mặt hàng đầu Việt Nam có khả năng xuất khẩu. Những doanh nghiệp chưa thuộc diện điều chỉnh của CBAM nhưng có nguy cơ cao vẫn cần theo dõi cập nhật chính sách này của EU cũng như của các quốc gia khác.

Theo Thạc sĩ Phan Minh Hòa, giảng viên Kinh tế, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT, nhìn chung, công cụ thuế carbon sẽ ngày càng thu hút được nhiều sự ủng hộ ở các nước phát triển, nên đối với thương mại quốc tế, loại thuế này sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng và tác động lên chuỗi cung ứng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, các chính sách xanh của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu; đồng thời gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”.

Các chuyên gia còn nhấn mạnh, bên cạnh những thách thức trong ngắn hạn, thuế carbon với hàng nhập khẩu sẽ tạo thêm động lực đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chủ động ứng phó sớm, rà soát chuỗi cung ứng

Tuy vậy, một khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần làm là các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Bà Phan Minh Hòa khuyến nghị, doanh nghiệp cần lên kế hoạch ứng phó sớm, rà soát chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển đổi sản xuất xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Doanh nghiệp cũng cần kiểm soát chặt chẽ và xây dựng báo cáo phát thải, chuẩn bị đầy đủ dữ liệu, chia sẻ thông tin với Chính phủ để phát triển hệ thống dữ liệu phát thải quốc gia của Việt Nam, sẵn sàng cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hợp tác với các nhà nhập khẩu, nhà cung ứng và Chính phủ để tạo thành mạng lưới, giúp thêm lợi thế cạnh tranh và cơ hội mới. Doanh nghiệp cũng nên tích cực tham vấn với Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách như định giá carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo...

Về phía chính sách, theo đại diện từ VCCI, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm việc, trao đổi và tham vấn với các cơ quan có thẩm quyền của phía EU để tìm được giải pháp tốt nhất cũng như tạo thuận lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với những yêu cầu của EU.

Đồng quan điểm, vị chuyên gia đến từ Đại học RMIT cũng nêu, Việt Nam nên tích cực tham gia đối thoại với các đối tác như EU và đẩy mạnh hợp tác với các nước xuất khẩu khác để tăng cường vị thế trong đàm phán.

Về mặt khung chính sách trong nước, vị này cho hay, Việt Nam đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại phí môi trường đối với khai thác khoáng sản từ năm 2011, do vậy, Việt Nam cần cập nhật và xây dựng, ban hành thuế carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước để doanh nghiệp có thể mua bán, tạo nguồn thu khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh.

Chính phủ cũng cần có ưu đãi cho đầu tư mới của doanh nghiệp vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, Chính phủ có thể xây dựng một đầu mối phối hợp giữa các bộ ngành để cung cấp thông tin cụ thể hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ những quy định mới, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp và nhận thức của xã hội về vấn đề này.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều