Chính thức bổ sung quy định cho vay trực tuyến

(HQ Online) - Hiện một số ngân hàng đã cung cấp sản phẩm cho vay trực tuyến nên việc hoàn thiện hành lang pháp lý là rất cần thiết để tránh rủi ro, thúc đẩy phương thức này hiệu quả hơn.
"Ông lớn" ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất cho vay, đẩy cầu tín dụng
Lãi vay đã giảm, doanh nghiệp vẫn không có nhu cầu vay Lãi vay đã giảm, doanh nghiệp vẫn không có nhu cầu vay
Doanh nghiệp vẫn kêu khó về việc vay vốn kèm hợp đồng bảo hiểm Doanh nghiệp vẫn kêu khó về việc vay vốn kèm hợp đồng bảo hiểm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (Thông tư 06). Thông tư có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2023.

Điểm đáng lưu ý của Thông tư 06 này là NHNN đã bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử. Theo giải trình, NHNN cho rằng, quy định này cho phép các tổ chức tín dụng triển khai cho vay qua các phương tiện điện tử thông qua xác thực, định danh khách hàng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, góp phần giảm thiểu tín dụng đen.

Nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ cho vay trực tuyến. Ảnh: ST
Nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ cho vay trực tuyến. Ảnh: ST

Theo quy định, các tổ chức tín dụng phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu theo quy định.

Dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống không vượt quá 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng.

Để được vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu, dữ liệu khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử phải đảm bảo nguyên tắc phân định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay. Trường hợp có rủi ro phát sinh, tổ chức tín dụng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong việc tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng.

Trước đó, một số tổ chức tín dụng đã áp dụng cho vay bằng phương thức điện tử với các khoản vay nhỏ lẻ.

Chẳng hạn, VPBank đã đưa vào vận hành hệ thống phê duyệt tự động VPBank Race cho mọi khoản vay thế chấp của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vay vốn mua ô tô, bất động sản, kinh doanh… HDBank đã ra mắt sản phẩm “Vay đảm bảo bằng sổ tiết kiệm trực tuyến” trên App HDBank. MSB cũng đã cung cấp các sản phẩm tín dụng cho khách hàng cá nhân, bao gồm thẻ tín dụng, thấu chi, vay trả góp, vay mua nhà… hoàn toàn online.

Mặc dù vậy, việc thực hiện vẫn rất thận trọng do lo ngại rủi ro phát sinh mà chưa có cơ sở pháp lý để xử lý. Đại diện một ngân hàng thương mại cho hay, khó khăn nhất trong cho vay trực tuyến là dữ liệu thông tin của khách hàng không sạch, không được khách hàng chủ động cập nhật. Vì thế, việc NHNN ban hành Thông tư 06 cùng với những động thái đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh trên môi trường điện tử (VneID) được đánh giá là động lực giúp hoạt động vay vốn bằng phương thức điện tử được đẩy mạnh. Trước đó, Bộ Công an đã cùng ngành ngân hàng ký một hợp tác về việc ứng dụng dữ liệu và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư (Đề án 06).

Theo NHNN, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng. Nhiều ngân hàng cũng đã phối hợp với C06 – Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ. Một số tổ chức tín dụng cũng phối hợp để thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.

Với kết quả thử nghiệm ban đầu, các đơn vị tham gia thí điểm đánh giá đây là giải pháp hiệu quả, khả thi, là một kênh cung cấp thông tin cho các tổ chức tín dụng để hạn chế rủi ro, lừa đảo, giả mạo trong ngành ngân hàng.

Thêm 4 trường hợp không được vay ngân hàng

Thông tư 06 đã bổ sung 4 trường hợp không được cho vay tại các tổ chức tín dụng:

Thứ nhất, vay để gửi tiền.

Thứ hai, vay để thanh toán tiền mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Thứ ba, vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư, góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm quyết định cho vay.

Thứ tư, vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng được đủ các điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, NHNN vẫn giữ nguyên các nhu cầu về vốn không được cho vay đã áp dụng trước đây. Chẳng hạn như: vay để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, vay để mua vàng miếng, vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, vay để trả nợ khoản vay nước ngoài…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều