Chi phí cước tàu tăng cao, kéo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp

(HQ Online) - Mặc dù nỗ lực gia tăng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, nhưng do giá cước tàu, chi phí vận chuyển… tăng cao. khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh.
Gia tăng xuất khẩu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn tăng cao
Lợi nhuận 9 tháng của SSI đã vượt 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm

5102-vung-nuoi-tom-cya-ctcp-thyc-phym-sao-ta-fimex-vn-thanh-vien-typ-yoan-pan-nhin-ty-tren-cao
Vùng nuôi tôm của Công ty Thực phẩm Sao Ta đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu. (Ảnh DN cung cấp)

Theo thông tin từ Công ty CP Nam Việt (Navico) trong quý 3/2021, doanh thu thuần của Navico đạt gần 656 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chỉ giảm 16% nên lãi gộp đạt 69 tỷ đồng giảm 36% so với quý 3/2020.

Trong quý này, Navico có gần 12 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chi phí phát sinh trong thời gian này đều đồng loạt tăng cao, như: Chi phí tài chính tăng 54%, chi phí bán hàng tăng 73%.

Kết quả chung, trong quý 3, Navico báo lỗ hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt lãi sau thuế 40 tỷ đồng.

Theo Navico, nguyên nhân doanh thu giảm do phải giảm số lượng công nhân sản xuất khi doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, dẫn đến sản lượng bán hàng giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng đều tăng cao, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sâu.

Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ “3 tại chỗ” phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí xet nghiệm Covid -19 và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Với gánh nặng chi phí tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của Navico chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020.

Năm 2021, Navico đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 250 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 9 tháng, công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.

Tương tự, theo Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), dù lợi nhuận gộp tăng mạnh, nhưng do chi phí cước vận tải và một số chi phí khác tăng cao đã tác động khiến lãi sau thuế của FMC thu về trong quý 3 chỉ còn gần 64 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Theo FMC, tháng 8 vừa qua, FMC thu hẹp quy mô chế biến còn dưới 40%, vì trong bối cảnh Covid-19 bùng phát lây lan cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 6,tỉnh Sóc Trăng có sách lược phòng chống dịch linh hoạt và đúng hướng, FMC từng bước phục hồi sản xuất rõ rệt.

Sự phục hồi nhanh chóng là nền tảng để FMC có kết quả hoạt động khả quan trong tháng 9, với kết quả chế biến tôm đạt 2.499 tấn, bằng 104,5%; tiêu thụ tôm đạt 1.807 tấn, bằng 113,4%, so với cùng kỳ năm 2020.

Chế biến và tiêu thụ tôm tăng, khiến doanh số tiêu thụ chung trong tháng 9 đạt 21,7 triệu USD, bằng 121,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính ra 9 tháng đầu năm đạt 154,6 triệu USD, đạt 77,3% kế hoạch năm 2021.

Trong quý 3/2021, doanh thu FMC đi ngang so với cùng kỳ, đạt 1.625 tỷ đồng. Nhờ chi phí vốn giảm 1,2%, nên lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 150 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 3/2020.

Đáng chú ý chi phí bán hàng tăng mạnh, gấp đôi cùng kỳ, lên gần 85 tỷ đồng chủ yếu do tăng mạnh chi phí cước tàu vận tải. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại giảm được hơn 10 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng.

Nếu tình hình sản xuất ổn định như hiện nay, FMC tự tin sẽ tăng tốc 3 tháng cuối năm và tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 gồm doanh số 200 triệu USD, lợi nhuận 250 tỷ đồng.

Được mệnh danh là “vua tôm”, trong quý 3/2021 doanh thu của Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú giảm nhẹ, từ mức 2.793 tỷ về 2.700 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp trong kỳ tăng mạnh gấp đôi lên 447 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh thu của doanh nghiệp giảm xuống còn 23 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ. Chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay được tiết giảm.

Ngược lại, chi phí bán hàng ghi nhận tăng gấp đôi, từ 84 tỷ lên 164 tỷ đồng. Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Minh Phú thu về 231 tỷ đồng, vẫn tăng hơn 39% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, Minh Phú ghi nhận doanh thu 7.225 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù đã phục hồi sản xuất, song tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp vừa phục hồi sản xuất, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch để sản xuất an toàn, đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều