Bối cảnh càng nhiều thay đổi, văn hoá doanh nghiệp càng phải vững vàng
“Chất xúc tác” nâng cao sức cạnh tranh từ văn hóa doanh nghiệp Khó khăn của nền kinh tế làm giảm mức độ đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp Văn hoá doanh nghiệp “soi đường” cho phát triển bền vững |
Sâu sắc 2024 với chủ đề "Nâng tầm người làm truyền thông nội bộ trong con mắt của lãnh đạo, doanh nghiệp và xã hội". Ảnh: HD |
Tại sự kiện "Sâu sắc 2024" do ICC (Câu lạc bộ truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp) tổ chức ngày 28/9/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia truyền thông văn hoá, đồng sáng lập Elite PR School cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như các biến động địa chính trị và kinh tế bên ngoài, những yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, những điều chỉnh về cơ sở pháp lý… trong khi mục tiêu của các doanh nghiệp trong kinh doanh không chỉ là về lợi nhuận mà còn phải thực hiện các trách nhiệm xã hội.
Vì thế, những vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp và kết nối giữa những nhân viên, thúc đẩy động lực làm việc… nên văn hóa doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi quyết định sự gắn bó và lòng trung thành của nhân viên.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thành, một văn hóa doanh nghiệp độc đáo sẽ góp phần thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả công việc.
Cũng về vấn đề này, ông Lê Quang Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Blue C cho rằng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, văn hóa càng phải vững vàng để gia tăng nội lực và xây dựng môi trường đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, báo cáo đo lường mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp 2023 do Blue C thực hiện cho thấy, về khó khăn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp cho biết không nắm vững cách làm, thiếu kỹ năng triển khai đang gây ra những trở ngại lớn cho xây dựng, phát triển văn hóa. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân mức độ ưu tiên nói chung cho đào tạo văn hóa doanh nghiệp giảm sút, nhất là các chương trình đào tạo nhận thức, kỹ năng cho quản lý và đội ngũ chuyên trách.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong những năm qua, không ít doanh nghiệp vẫn chưa nhìn nhận đúng, chưa khai thác đủ tiềm năng của truyền thông nội bộ trong việc xây dựng vững vàng nền tảng văn hóa doanh nghiệp, để giúp định hình và duy trì bản sắc riêng của doanh nghiệp.
Do đó, ông Lê Quang Vũ nhận định, các doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế và có chiến lược rõ ràng để vượt qua những thách thức này. Các doanh nghiệp chú trọng truyền thông nội bộ thì nhân viên thường có mức độ tin tưởng cao hơn vào lãnh đạo, đồng thời nhân viên cũng có xu hướng gắn bó lâu dài với tổ chức. Người làm truyền thông nội bộ chính là cầu nối, mắt xích quan trọng giữa lãnh đạo và nhân viên, giúp truyền tải tầm nhìn, chiến lược và mục tiêu chung...
Vì thế, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần hiểu vai trò của từng bộ phận, trong đó có truyền thông nội bộ trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nhưng cùng với đó phải nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo để cùng hiểu về tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ý kiến bạn đọc