“Chất xúc tác” nâng cao sức cạnh tranh từ văn hóa doanh nghiệp
“Phao cứu sinh” từ văn hóa doanh nghiệp Thúc đẩy môi trường kinh doanh từ văn hóa doanh nghiệp Doanh nghiệp phát huy vai trò của văn hóa cho phát triển bền vững |
Văn hóa doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: ST |
Lâu nay, trong đời sống kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp luôn được đánh giá là tài sản vô hình vô giá, là yếu tố khẳng định năng lực cạnh tranh, cam kết phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa dẫn dắt chiến lược và chiến lược thực hiện trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngày 10/10/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới thay cho Nghị quyết 09-NQ/TW, trong đó đặt ra mục tiêu và giải pháp xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Tại sự kiện "Sâu sắc 2023" do ICC (cộng đồng truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp) tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thành đồng sáng lập Elite PR School cho rằng, hiện nay, khi công nghệ thay đổi, khách hàng thay đổi thì doanh nghiệp muốn tồn tại cũng buộc phải số hóa để theo kịp sự thay đổi từng ngày. Cơ hội chuyển đổi số để tăng hiệu suất, tối ưu hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp là như nhau. Vì thế, yếu tố cạnh tranh chính là nằm ở văn hóa doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của thương hiệu, là "chất xúc tác" tạo nên sức mạnh cạnh tranh giúp doanh nghiệp có những lợi thế mạnh mẽ trên thương trường.
Trong phát biểu tại một sự kiện vào cuối tháng 10/2023, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu, nhiều quốc gia đã rất thành công trong phát huy văn hóa kinh doanh trở thành “sức mạnh mềm”, góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng như một “chiều cạnh” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như của doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong việc xây dựng môi trường làm việc tích cực mà còn là hệ thống các giá trị, quan niệm và nguyên tắc hành vi được chia sẻ bên trong doanh nghiệp. Nhưng để văn hóa doanh nghiệp có thể thực sự phát huy được sức mạnh, mang lại thành công cho doanh nghiệp thì việc triển khai cần được thực hiện một cách chặt chẽ và có hệ thống.
Cụ thể, văn hóa doanh nghiệp là hình thái biểu hiện cao nhất của văn hóa được lan tỏa từ người lãnh đạo. Ông Lê Quang Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Blue C nhận định, lãnh đạo phải luôn là người đi đầu trong các hoạt động, xắn tay cùng các thành viên trong doanh nghiệp lan tỏa các giá trị văn hóa. Để tìm và hiểu đúng văn hóa của doanh nghiệp thì cần khám phá chính nội tại doanh nghiệp, văn hóa được phản ánh qua hành động thường ngày mới là văn hóa có giá trị sát sườn.
Còn bà Trần Hồng, Giám đốc điều hành Công ty ACEX nhấn mạnh đến yếu tố trải nghiệm nhân viên. Văn hóa doanh nghiệp chỉ thực sự bền vững khi được gắn với giá trị cốt lõi và được thể hiện một cách nhất quán bằng hành động.
Từ những ý kiến trên có thể thấy, các doanh nghiệp phải thích ứng với công nghệ mới, sẵn sàng thay đổi và khuyến khích sự sáng tạo để tồn tại và phát triển trong một môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, việc quản lý văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số không thiếu những thách thức, từ việc duy trì tính nhất quán trong môi trường làm việc đa dạng đến việc đảm bảo an toàn thông tin trong các mô hình làm việc từ xa... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc trong thời đại số là chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự thành công bền vững trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc