Xây dựng văn hóa kinh doanh đặc trưng, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu hội nhập

(HQ Online) - Trong hội nhập, văn hóa kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp cần những đặc trưng tiêu biểu để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nhanh chóng phục hồi.
“Phao cứu sinh” từ văn hóa doanh nghiệp Thúc đẩy môi trường kinh doanh từ văn hóa doanh nghiệp Doanh nghiệp phát huy vai trò của văn hóa cho phát triển bền vững

Dự kiến vào ngày 18/11 tới đây, tại TPHCM, Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” sẽ được tổ chức dưới sự thực hiện của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC). Ban tổ chức Diễn đàn bao gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Diễn đàn văn hoá với doanh nghiệp 2023 sẽ gồm 3 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề “Văn hóa Kinh doanh – Dòng chảy phát triển và hội nhập”; Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023; tổ chức Đoàn đại biểu doanh nghiệp tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành uỷ, UBND TPHCM.

Diễn đàn nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” và khởi động chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lần thứ ba - năm 2023.
Chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lần thứ ba - năm 2023 đã được khởi động. Ảnh: H.D

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch VNABC chia sẻ, đây là cơ hội để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh... để từ đó từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện đã triển khai rất hiệu quả văn hóa kinh doanh trong hoạt động doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Công ty Cổ phần MISA, bà Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc Truyền thông cho biết, Công ty luôn bám sát theo bộ tiêu chí về “văn hóa kinh doanh Việt Nam”, đồng thời luôn xác định áp dụng văn hóa kinh doanh trong các hoạt động từ nội bộ đến xây dựng sản phẩm, chăm sóc khách hàng; MISA cũng có bộ quy tắc ứng xử riêng để áp dụng trong nội bộ và bên ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh “nhà nhà” chuyển đổi số, bà Huyền cho hay, MISA đã ứng dụng chính giải pháp do công ty phát triển là Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS để tạo dựng văn hoá làm việc số, tận dụng công nghệ để truyền thông nội bộ, gắn kết cán bộ nhân viên, từ đó thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp hiệu quả. Hơn nữa, Công ty còn lan tỏa văn hóa và giá trị kinh doanh đến các doanh nghiệp khác như hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, tặng miễn phí 10.000 bộ giải pháp phần mềm MISA AMIS Văn phòng số cho các doanh nghiệp cùng tiếp cận chuyển đổi số, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tương tự, bà Hà Thu Hương, Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp Viettel được xây dựng nhằm tạo sự khác biệt, sức mạnh cạnh tranh với việc xác định sứ mệnh "Sáng tạo vì con người", triết lý "Kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội", 8 giá trị cốt lõi, chuẩn mực người Viettel và bộ quy tắc ứng xử. Vì thế, hiện Viettel giữ vững vị trí đứng đầu 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam. Giai đoạn 2015-2021, Viettel đã đóng góp khoảng 268.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Theo các chuyên gia, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản để vừa đáp ứng đúng các quy tắc, quy chuẩn, vừa tạo được bản sắc văn hóa riêng cho mỗi doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh hội nhập, văn hóa doanh nghiệp cần sáng tạo, đặc trưng, linh hoạt để tăng khả năng thích nghi với nhiều môi trường kinh doanh khác nhau, từ đó tăng sức tận dụng các cơ hội kinh doanh trên thị trường toàn cầu.

Vì thế, ông Phùng Huy Cẩn, nguyên Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, bộ tiệu chí “văn hóa kinh doanh Việt Nam” ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp thực hiện. Trong đó, có các điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện như: không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả; không nợ lương và BHXH… Cùng với đó là hàng loạt tiêu chí đánh giá từ lãnh đạo doanh nghiệp cho đến cách thức xây dựng, thực thi trong doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều