Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, chia cổ tức 18,1%
Lãnh đạo MB nói về phương án nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng” | |
Ngân hàng tìm "cửa" sinh lời ngoài tín dụng | |
“So găng” kết quả kinh doanh ở 4 ngân hàng lớn |
Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.
Vietcombank dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%. |
Dự kiến lợi nhuận 2022 vượt 30.000 tỷ đồng
Theo đó, tại Đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng). Tổng tài sản dự kiến tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
ĐHĐCĐ của Vietcombank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới). Đối tượng phát hành là các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của Vietcombank tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của ngân hàng đối với đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.
Vietcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng. Hiện tỷ lệ an toàn vốn CAR riêng lẻ của Vietcombank ở mức 9,4% - mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2022, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tổng tài sản tăng trưởng 3,4%, tăng trưởng tín dụng đạt 7% (đến nay 29/4 đạt 8,8%). Huy động vốn thị trường 1 tăng 3,8%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,8%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.950 tỷ đồng hợp nhất tăng khá đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận riêng lẻ đạt hơn 9.600 tỷ đồng.
Nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém
Thông tin đáng chú ý tại ĐHĐCĐ năm nay của Vietcombank là các cổ đông đã thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, mục tiêu của Vietcombank khi nhận việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là hỗ trợ tổ chức tín dụng từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục. Với Vietcombank, việc chuyển giao bắt buộc này sẽ giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới.
Lãnh đạo Vietcombank khẳng định, nguyên tắc của việc chuyển giao bắt buộc là sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thông thường và danh tiếng của Vietcombank; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên. Vietcombank có quyền bán/chuyển nhượng, nhận sáp nhập, tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng là ngân hàng con của Vietcombank trong và sau khi hoàn thành việc thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của Vietcombank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc và độc lập với kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc.
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank sẽ được được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế.
Ngoài ra, NHNN sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định...
Theo ông Phạm Quang Dũng, thời gian hoàn tất phương án chuyển giao bắt buộc phụ thuộc vào ba yếu tố gồm: tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền và tình hình thị trường. Với những chính sách hỗ trợ nhận được, lãnh đạo Vietcombank khẳng định, thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ không quá 8-10 năm để trở thành một tổ chức tài chính lành mạnh.
Ý kiến bạn đọc