Lãnh đạo MB nói về phương án nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng”

(HQ Online) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được tổ chức ngày 25/4, đại diện lãnh đạo MB cho biết, MB là một trong 7 ngân hàng được mời đến tham gia dự án chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, nên cần đóng góp cho ngành ngân hàng.
MB nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, dự định tăng vốn “khủng”
MB sẽ tham gia hỗ trợ một ngân hàng “0 đồng”?
MB báo lãi trước thuế 2021 tăng gần 55%, đạt hơn 16.500 tỷ đồng
Đại hội đồng cổ đông MB.
Đại hội đồng cổ đông MB.

Mục tiêu lợi nhuận 20.300 tỷ đồng

Tại Đại hội, Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, dịch Covid-18 ảnh hưởng tiêu cực nhưng cũng là “đòn bẩy” để MB triển khai quyết liệt các kế hoạch kinh doanh đã đặt ra trên tinh thần đẩy mạnh chuyển đổi số. Kết quả, tổng kết chiến lược 5 năm (2017-2021), MB đã đạt được những thành công vượt mong đợi, hoàn thành trước hạn 100% các mục tiêu chiến lược đề ra, tiêu biểu như chuyển đổi số tập đoàn, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên.

Trong giai đoạn 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tăng trưởng kép với doanh thu và lợi nhuận gấp 2,5-3 lần so với năm 2021, phấn đấu đạt 20 triệu khách hàng.

Về kế hoạch kinh doanh, báo cáo tại ĐHĐCĐ, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, năm 2022, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 15-16%, tín dụng cũng tăng khoảng 16% và phấn đấu 20% theo giới hạn tỷ lệ tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.

MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động các công ty thành viên, tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận công ty thêm 2-3%. Tăng năng lực bán chéo trong tập đoàn. Đồng thời, MB muốn thu hút mới 2,5-3 triệu khách hàng bán lẻ trong 2022, tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tổng giám đốc MB thông tin, trong quý 1/2022, MB đã có thêm 1,6 triệu khách hàng mới và tổng khối lượng khách hàng mới năm nay dự kiến đạt khoảng 5-6 triệu, tương đương năm 2021.

Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%.

Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng

Nội dung nổi bật khác được thông qua tại ĐHĐCĐ liên quan đến việc MB nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Bởi có cổ đông đã đặt ra lo ngại, việc này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến MB, như trường hợp của Sacombank sáp nhập Ngân hàng Phương Nam thời gian trước.

Theo Ban lãnh đạo MB, việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật, đồng thời giúp MB có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5-2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới, gia tăng lợi ích cổ đông.

Liên quan đến vấn đề cho vay bất động sản, lãnh đạo MB cho biết, hiện dư nợ cho vay bất động sản tại MB được kiểm soát dưới 10%, nợ xấu cũng rất thấp. Tỷ lệ trái phiếu bất động sản của MB là 3,98%.

Ông Lưu Trung Thái cho biết thêm, việc nhận chuyển giao này sẽ không làm các chỉ số tài chính của MB bị ảnh hưởng do không phải hợp nhất báo cáo tài chính. Đồng thời, MB cũng không bị tính các chỉ số tài chính của tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc khi tính các chỉ số an toàn vốn. Khoản góp vốn vào tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc cũng không phải trích lập dự phòng giảm giá. Việc phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ của MB cũng không phụ thuộc vào việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng này.

Lãnh đạo MB cũng cho hay, quá trình thực thi dự kiến diễn ra trong 8-9 năm, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn, sau đó sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất báo cáo tài chính. Do đó, nhóm tái cơ cấu đề xuất xem xét việc miễn trách nhiệm cho các cá nhân thực hiện. Trong giai đoạn đầu, MB sẽ chuyển sang một số khoản dư nợ tốt cho ngân hàng này để hỗ trợ.

“Hiện có 3 phương án thực hiện. Thứ nhất, sau khi tái cơ cấu, ngân hàng đó sẽ sáp nhập vào MB để quy mô MB to lên. Thứ hai, chúng ta có thể bán đi như một khoản đầu tư. Thứ ba, cổ phần hóa (IPO) để chuyển thành ngân hàng cổ phần, trả lại thì không được nhưng chúng ta có quyền bán đi hoặc IPO tổ chức này”, ông Lưu Trung Thái nói.

Về giá chuyển nhượng, lãnh đạo MB khẳng định mức giá nhận chuyển giao là 0 đồng, tuy nhiên ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Điều kiện mà MB đưa ra là ngân hàng chuyển giao bắt buộc có số lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng. Để giải quyết số nợ lũy kế này, theo ông Lưu Trung Thái, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho MB vay một khoản tiền lãi suất 0%.

Trước đó, một số thông tin đã cho rằng, tổ chức tín dụng yếu kém này là OceanBank. Tại một hội nghị vào đầu năm, lãnh đạo Oceanbank cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ, nghiên cứu một số sản phẩm để thu hút khách hàng… Lãnh đạo MB cũng cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Ngân hàng sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều