Việt Nam sở hữu "nền móng" củng cố vị thế là điểm đến FDI hấp dẫn

(HQ Online) - Tại Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu với chủ đề “Đặt nền móng cho toàn cầu hóa bền vững” do Đại học RMIT tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang sở hữu nền tảng cần thiết để củng cố hơn nữa vị thế là điểm đến đầu tư nước ngoài (FDI) hấp dẫn.
Việt Nam vẫn củng cố vị trí 1 trong 5 điểm đến đầu tư của doanh nghiệp châu Âu Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn Samsung muốn duy trì vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam
Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu RMIT 2023.
Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu RMIT 2023.

Theo các chuyên gia, khối doanh nghiệp FDI đã thúc đẩy đáng kể nền kinh tế Việt Nam năm 2023 với vốn đầu tư đạt 28,85 tỷ USD trong 11 tháng qua. FDI tăng trưởng chủ yếu thông qua các khu công nghiệp. Bằng chứng là nhiều tập đoàn đa quốc gia đã và đang thành lập hoặc mở rộng hoạt động tại các khu công nghiệp trên cả nước.

Theo ông Benny Choong, Giám đốc Tài chính khối sản xuất tại châu Á của LEGO Manufacturing Việt Nam, Công ty dự kiến ​​sẽ tuyển dụng 4.000 vị trí việc làm tại Việt Nam trong vòng 15 năm tới.

Vì thế, Tập đoàn LEGO đang xây dựng một nhà máy với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, dự kiến ​​đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn LEGO trên toàn thế giới. LEGO hướng tới đạt chứng nhận Vàng LEED (Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) cho nhà máy ở Việt Nam.

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của doanh nghiệp dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam đã đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh. Đây là điều kiện để vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị.

Cũng về vấn đề này, ông Adris Bin Isnin, Giám đốc bộ phận Dịch vụ kỹ thuật, khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam nhấn mạnh cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đã làm đa dạng các cơ hội đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ xanh, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm đến mục tiêu này.

Vì thế, các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng vào xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam, trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng đang gây ra khoảng 40% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Từ những ý kiến của doanh nghiệp, TS. Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại RMIT Việt Nam nhận định, toàn cầu hóa bền vững là chủ đề mang tính thời sự. Việt Nam đang sở hữu nền tảng cần thiết để có thể đạt được tiến bộ đáng kể, củng cố hơn nữa vị thế là điểm đến FDI hấp dẫn. Bên cạnh đó, TS. Quyên cũng cho rằng, với dòng vốn đầu tư chất lượng cao ngày càng tăng, vấn đề cấp bách đối với các doanh nghiệp là nguồn cung nhân tài có đầy đủ trình độ, hiểu biết, kỹ năng và tầm nhìn quốc tế.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều