Tỷ giá tăng nóng trở lại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo giảm sức cạnh tranh

(HQ Online) - Trong những ngày qua, đồng USD diễn biến tăng mạnh đã khiến nhiều quốc gia sẵn sàng phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Điều này khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Lợi nhuận hao hụt vì biến động tỷ giá
Nếu VND tiếp tục giảm giá không có lợi cho xuất khẩu
Tỷ giá tăng cao và nỗi lo của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Tỷ giá chịu ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất. Ảnh: Internet
Tỷ giá chịu ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất. Ảnh: Internet

Thị trường ngoại tệ biến động mạnh

Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, tỷ giá giữa USD và VND tại các ngân hàng và trên thị trường tự do bật tăng mạnh so với phiên giao dịch trước kỳ nghỉ. Hiện tỷ giá tại các ngân hàng đang giao dịch quanh mức 23.400-23.700 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng khoảng 80 đồng ở cả hai chiều so với phiên giao dịch cuối tháng 8.

Tỷ giá USDVND bật tăng mạnh trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ. Nguồn: SSI
Tỷ giá USDVND bật tăng mạnh trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ. Nguồn: SSI

Đặc biệt, trên thị trường tự do, mỗi USD cũng đã tăng thêm từ 60 đến 80 đồng, dao động quanh 24.100 VND/USD (chiều mua) và 24.200 VND/USD (chiều bán).

Giới phân tích nhận định, đây là mức tỷ giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong tháng 8/2022, VND tiếp tục giảm 0,37% so với đồng USD, còn tính từ đầu năm 2022 đến nay đã giảm tới 2,64%.

Nguyên nhân được cho là do tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất điều hành. Hơn nữa, rủi ro về khủng hoảng năng lượng ở châu Âu những ngày gần đây cũng giúp đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh.

Hiện chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh đã tăng mạnh lên mức 109,64 điểm, mức cao nhất trong 20 năm qua. Trong khi đó, một số đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như đồng Bảng Anh (GBP) -2,0%, Yên Nhật -1,86%, Euro -0,1%. Các đồng tiền trong khu vực châu Á cũng ghi nhận mức giảm mạnh như Won Hàn Quốc -2,3%, Baht Thái Lan -1.90%, Đài tệ Đài Loan -1,2%,…

Theo các chuyên gia, so với các đồng tiền trong khu vực, VND có diễn biến ổn định hơn, nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực nhất là khi cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD. Tuy vậy, diễn biến tỷ giá trong nước vẫn đang chịu nhiều áp lực từ xu hướng mạnh lên của đồng USD quốc tế.

Giảm sức cạnh tranh và nguy cơ thua lỗ

Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tỷ giá biến động mạnh sẽ khiến giá cả hàng hóa thay đổi theo. Bởi với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép của USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ dệt may, thủy sản, nông nghiệp... đều là hàng thiết yếu nhưng lại dễ bị thay thế nếu giá bán cao hơn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều giảm giá mạnh đồng nội tệ tới 30% nhằm hỗ trợ xuất khẩu khi đồng USD tăng. Điều này khiến sản phẩm của Việt Nam trở lên khó cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, phần lớn giao dịch xuất khẩu sử dụng đồng USD. Dù xuất khẩu được lợi khi USD tăng giá nhưng giá cước vận tải khi quy đổi cũng tăng lên mức cao, chi phí nhân công tăng… khiến doanh nghiệp phải cân đối lại lợi nhuận. Hơn nữa, tiền tệ biến động khiến tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… dâng cao, đẩy sức cầu của người dân giảm sút, tạo thành tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của doanh nghiệp.

Cùng với đó, biến số tỷ giá còn tác động mạnh đến các khoản nợ vay bằng USD của các doanh nghiệp. Do vậy, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá rất lớn. Chẳng hạn, Hòa Phát ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá quý 2/2022 lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm ngoái do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao; Lộc Trời có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021; Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới 841 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm trước…

Các chuyên gia của Agriseco cho rằng, một số doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trước diễn biến tỷ giá, bao gồm các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phần lớn từ Mỹ; doanh nghiệp nội địa đang bị cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ châu Âu hoặc Nhật Bản và các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD trên tổng tài sản cao.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Agriseco nhận định, sự tăng lên của tỷ giá USD/VND và sự giảm giá của tỷ giá JPY/VND sẽ có ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thanh toán bằng đồng USD, do USD chiếm tới 90% trong giao dịch xuất nhập khẩu.

Trong trả lời doanh nghiệp tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hồi giữa tháng 8, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh, tiền đồng bị phá giá làm cho các doanh nghiệp nhậu khẩu gặp khó khăn. Bài học cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững.

Cũng về vấn đề này, các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, áp lực lên tỷ giá vẫn còn nên không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều