Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024: Nỗ lực bám trụ trước thách thức của thiên nhiên
Thách thức từ thiên nhiên
Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong năm 2024, chỉ riêng cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp nước ta với gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm chết do đuối nước hoặc thiếu thức ăn; 36 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị tàn phá,…
Đấy là chưa kể các thiệt hại do bùng phát các dịch bệnh nghiêm trọng như: dịch cúm gia cầm A/H5N1; dịch tả lợn châu Phi; dịch viêm da nổi cục; dịch lở mồm long móng,… khiến hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và tiêu hủy.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp giai đoạn 2018-2023. Nguồn: Vietnam Report |
Là đầu vào của ngành chăn nuôi nên ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù được Báo cáo Triển vọng Thực phẩm Nông nghiệp năm 2024 của Alltech xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi nhưng số liệu thực tế cho thấy ngành này đang đối diện với xu hướng suy giảm sản lượng.
Sản lượng năm 2023 chỉ đạt 20,5 triệu tấn trong khi sản lượng năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn.
Số liệu từ Cục Chăn nuôi cũng cho thấy, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho lợn cũng giảm từ 12,2 triệu tấn vào năm 2021 xuống còn 11,4 triệu tấn vào năm 2022 và 11,5 triệu tấn vào năm 2023.
Sản lượng thức ăn cho gia cầm giảm mạnh hơn từ 10,7 triệu tấn năm 2020 xuống còn 8,3 triệu tấn năm 2023.
Đặc biệt, nhóm thức ăn cho vật nuôi khác trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng tới 67%, từ 0,6 triệu tấn xuống còn 0,2 triệu tấn trong giai đoạn từ 2019-2023.
Tình hình xuất nhập khẩu cũng không khá hơn khi giá trị xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 850 triệu USD, giảm 16%, nhập khẩu đạt hơn 4,02 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi như lúa mỳ, ngô, đậu tương cũng giảm từ 8-14% do được mùa khiến giá thức ăn chăn nuôi bị điều chỉnh giảm tới 4 lần.
Vẫn vững tin vào tương lai
Mặc dù trải qua nhiều thách thức, đặc biệt là xu hướng giảm trong năm 2024 nhưng trên 57,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report vẫn bày tỏ niềm tin rằng triển vọng tăng trưởng trong năm 2025 sẽ khả quan hơn so với năm trước.
Triển vọng tăng trưởng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2025 so với năm 2024. Nguồn: Vietnam Report |
Cơ sở của niềm tin này là do báo cáo “Gia súc và gia cầm” năm 2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn vào năm 2025 do khả năng kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô đàn lợn.
Bên cạnh đó, theo đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng và đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030, đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh trong nước.
Đặc biệt, từ cuối năm 2023 đến nay, hàng loạt các đề án, chính sách quan trọng tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và giảm chi phí sản xuất cho ngành thức ăn chăn nuôi được triển khai như: Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030” được phê duyệt vào tháng 12/2023; Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi trong đó có quy định các chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi được ban hành vào tháng 8/2024; giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khô dầu đậu tương theo quy định tại Nghị định số 144/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/12/2024;… đã tạo tiền đề cho niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, để đảm bảo sự cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, giúp ngành thức ăn chăn nuôi phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp về nghiên cứu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; tìm kiếm, đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu với giá cạnh tranh; đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất tự động hóa; thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường;… các cơ quan quản lý cần nâng cao hơn nữa công tác thống kê và dự báo thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp có thông tin chính xác về nguồn cung và nhu cầu thức ăn chăn nuôi cũng như sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm để doanh nghiệp hoạch định được chiến lược phát triển một cách hiệu quả, tối ưu hóa chi phí sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
DANH SÁCH TOP 10 CÔNG TY THỨC ĂN CHĂN NUÔI UY TÍN NĂM 2024 Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam Công ty TNHH Cargill Việt Nam Công ty Cổ phần Việt-Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam Công ty TNHH Sunjin Vina Công ty TNHH Dinh dưỡng Á Châu (VN) Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà Công ty TNHH Thức ăn Gia súc Lái Thiêu
|
Ý kiến bạn đọc