Top 10 công ty uy tín ngành Logistics năm 2023: Nỗ lực trở thành động lực chính cho nền kinh tế

(HQ Online) - Báo cáo Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 6/12/2023 cho thấy, dịch Covid-19, căng thẳng chính trị và thương mại… đã không làm gục ngã ngành Logistics trong nước mà còn tạo động lực để ngành này phát triển, trở thành động lực chính của nền kinh tế.
Trụ vững trước biến cố

Những năm gần đây, ngành Logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14% - 16%/năm. Dự báo của Mordor Intelligence đối với ngành vận tải hàng hóa và Logistics có dung lượng thị trường đạt 45,19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,34% trong giai đoạn 2023 – 2029.

Top 10 công ty uy tín ngành Logistics năm 2023: Nỗ lực trở thành động lực chính cho nền kinh tế
Biến động doanh thu, chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp Logistics 09 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Vietnam Report

Tuy nhiên, trong năm 2023, sau 2 năm ngấm đòn dịch Covid- 19, cộng thêm những bất ổn về chính trị và những diễn biến xấu khó lường từ kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm lần lượt 5,9% và 10,7%. Phần lớn các doanh nghiệp logistics được Vietnam Report khảo sát cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp được hỏi có suy giảm lợi nhuận thì có tới 40% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể; trong 60% số doanh nghiệp suy giảm doanh thu thì có tới 33,3% doanh nghiệp có mức sụt giảm đáng kể.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Logistics đang phải đối mặt với nhiều thách thức khách quan và chủ quan. Theo đó, ngoài yếu tố khách quan như giảm đơn hàng do kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn chính trị trên thế giới, ngành Logistics còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành. Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 3 đến 5 năm để giành được thị phần. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử - nơi phát sinh sản lượng ngày càng lớn của ngành Logistics cũng đang mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường Logistics để tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp cũng đang tạo mối đe dọa.

Bên cạnh đó, hạ tầng cho lưu kho để xử lý, lưu trữ hàng hóa, đầu tư kho bãi gắn với quy hoạch phát triển vùng kinh tế chưa thực sự đồng bộ, còn tản mạn dẫn đến chi phí Logistics cao. Nguồn nhân lực thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tuy nhiên, kết quả xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 cho thấy bức tranh vẫn rất khả quan đối với các doanh nghiệp Logistics Việt khi hầu hết vẫn trụ vững trong bảng xếp hạng so với năm 2022, cụ thể như: Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần, Công ty Cổ phần Gemadept, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong,… trong nhóm ngành giao nhận quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; Công ty Cổ phần Vinafreight, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí,.. trong nhóm ngành vận tải hàng hóa; Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng,…trong nhóm ngành khai thác cảng; Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần Hợp Nhất quốc tế,… trong nhóm chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối.

Lạc quan chặng đường sắp tới

Top 10 công ty uy tín ngành Logistics năm 2023: Nỗ lực trở thành động lực chính cho nền kinh tế
Top 5 chiến lược được các doanh nghiệp ngành Logistics ưu tiên áp dụng. Nguồn: Vietnam Report

Trước nhiều kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 của Việt Nam, các doanh nghiệp logistics tham gia khảo sát của Vietnam Report cũng bày tỏ lạc quan khi có 34,5% số doanh nghiệp cho biết sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Bên cạnh đó, cơ sở củng cố cho niềm tin trên còn là những thay đổi chính sách của Cục Hàng hải Việt Nam về dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT quy định về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Theo đó, dự thảo đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container từ năm 2024 tại một số khu vực như cảng Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Nếu cảng có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT thì có thể tăng thêm 10% phí dịch vụ nữa, đồng nghĩa việc các cảng có thể tăng chi phí bốc xếp lên 20% so với hiện tại.

Ngoài ra, số liệu 11 tháng năm 2023 cho thấy, tổng khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 2.062,3 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải thủy nội địa có mức tăng lớn nhất đạt 18,5%; vận tải hàng không, đường bộ, đường biển có mức tăng lần lượt là 13,6%, 11,7% và 9,9%; riêng với vận tải đường sắt, lượng hàng hóa ghi nhận mức sụt giảm đáng kể 22,4%. Các con số này cho thấy thị trường vẫn rất rộng mở.

Nếu các doanh nghiệp logistics biết vươn lên nắm bắt xu hướng về linh hoạt chuỗi cung ứng, tự động hóa, tích hợp hệ sinh thái... đồng thời tận dụng tốt cơ hội từ 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết thì các doanh nghiệp không chỉ vượt qua được các khó khăn hiện tại mà còn ngày càng củng cố được uy tín, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn thế giới.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều