Tín dụng tăng trưởng tốt, doanh nghiệp vẫn "than" khó vay
Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện khi doanh nghiệp phục hồi | |
Đến 16/4, tín dụng “bơm” ra nền kinh tế tăng 3,34% | |
Dự báo mặt bằng lãi suất và phí dịch vụ ngân hàng tiếp tục giảm |
Ngân hàng vẫn đạt tăng trưởng khả quan. Ảnh: ST |
Tín dụng vẫn tăng đều đặn
Trong năm 2020, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đạt 12,13%, chỉ thấp hơn khoảng hơn 1% so với năm 2019 là 13,65%. Tính đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,41% so với cuối tháng 3/2021.
Tuy nhiên, mới đây, kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 cho thấy có 41% doanh nghiệp được điều tra gặp khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng, gia tăng so với con số 35% của năm 2019. Các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có tỷ lệ gặp khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng cao hơn các nhóm còn lại. Năm 2021, những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải ngừng sản xuất kinh doanh, thậm chỉ là phá sản. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2%, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, với các ngân hàng, kết quả kinh doanh nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng vẫn rất khả quan. Tại HDBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong quý 1, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt 1.800 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 197.970 tỷ đồng, tăng 5,2% với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính. Lãnh đạo TPBank cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 1.422 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 31/3/2021, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt hơn 138 nghìn tỷ, tăng 24,36% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, kết thúc quý 1/2021, cho vay khách hàng tăng trưởng 1,65%, đạt 310,7 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 1.664 tỷ đồng, gấp tới 2,1 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Tương tự, Vietcombank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm 2020, tăng cao nhất về giá trị trong số các ngân hàng.
Sẽ giảm lãi vay
Theo báo cáo PCI 2020 về các trở ngại khi tiếp cận vốn tín dụng, 83% doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Đặc biệt, 60% doanh nghiệp tư nhân nhận thấy lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn so với các doanh nghiệp nhà nước. 46% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn rất phiền hà và 39% cho biết các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp. |
Mặc dù có nghịch lý như trên, nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, trừ việc tín dụng bất động sản có chiều hướng tăng (tăng 2,13% trong 2 tháng đầu năm) thì các lĩnh vực khác như: chứng khoán, BOT, BT lại giảm nhẹ.
Hơn nữa, phân tích về cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, mặc dù thu từ lãi vẫn đóng vai trò quan trọng trong lợi nhuận ngành ngân hàng nhưng thu ròng phi lãi, tiết giảm chi phí hoạt động và đóng góp của các công ty con đang gia tăng mức độ quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận của ngành. Cùng với đó, triển vọng tích cực của kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 3 đến nay, cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vắc-xin tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021.
Do đó, các ngân hàng cho biết đều đang lên phương án để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ảnh hưởng của việc giãn nợ, không được dự thu có thể lên đến 400 - 500 tỷ đồng trong năm 2020, nhưng từ quý 4/2020 đa phần khách hàng đã trả được nợ nên lợi nhuận năm 2020 và 2021 của ngân hàng không bị ảnh hưởng. Vì thế, ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2021.
Tương tự, theo lãnh đạo Saccombank, trong năm 2020 ngân hàng đã cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí hơn 8.300 tỷ đồng theo quy định của NHNN và triển khai 44.500 tỷ các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Vì thế, Sacombank sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp này trong năm nay.
Khảo sát trong quý 1/2021 cho thấy, Vietcombank áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021, một số ít ngân hàng thương mại tư nhân cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 10-40 điểm %, nhưng chỉ với thời gian ưu đãi trong 6-12 tháng đầu. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm xuống và tăng trưởng tín dụng tăng lên để có thể điều chỉnh lãi suất vay giảm, thu hút khách hàng vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ý kiến bạn đọc