Tìm giải pháp chuyển đổi thành “doanh nghiệp xanh”
Doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm đối tác cung cấp tại Việt Nam Tìm cơ hội cho doanh nghiệp khi tham gia "cuộc đua xanh" toàn cầu Doanh nghiệp công nghiệp tìm sản phẩm mới “hút” khách hàng |
Hiện nay, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP đều đặt ra nhiều yêu cầu, quy định mới về bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng hay sản xuất xanh và bền vững đối với hàng nhập khẩu.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phi phát thải, giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính năm 2030 và giảm 45% năm 2050; phấn đấu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nay chưa có quy định chung về tiêu chí xanh trong sản xuất để làm căn cứ cho các doanh nghiệp xác định tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng xuất khẩu.
Chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp xanh: Đồng hành và phát triển bền vững” do Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) phối hợp cùng Công ty Jolywood Solar và Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ LYTH tổ chức vào ngày 29/8/2023, ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn để phát triển theo “con đường màu xanh”.
Hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp xanh: Đồng hành và phát triển bền vững". Ảnh: HD |
Cụ thể là thiếu cơ chế chính sách để định hướng cho các doanh nghiệp phát triển xanh. Nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về nền tảng tài chính trong khi kinh doanh xanh là chia sẻ lợi nhuận để bảo vệ môi trường. Do vậy, việc buộc phải hy sinh một phần lợi ích sẽ là thử thách đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn còn nhiều bất định hiện nay. Hơn nữa, phát triển xanh là một quá trình lâu dài trong chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần xác định mức độ thời gian và tính bền vững từ các cấp độ kinh doanh, từ lãnh đạo đến nhân viên.
Vì thế, theo các chuyên gia, doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới môi trường nên cùng với sự góp sức từ chính sách, các doanh nghiệp cần “nương tựa” vào nhau với những giải pháp từ chính các doanh nghiệp để tạo thành một chuỗi liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Chẳng hạn, Intech Energy với gần 10 năm kinh nghiệm, chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng nên đang là đối tác hỗ trợ đầu tư và hợp tác đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời. Ông Trần Văn Nhơn cho biết, Công ty đã kết hợp với hơn 5 quỹ đầu tư để triển khai mô hình đầu tư hệ thống điện mặt trời 0 đồng ESCO giúp khách hàng doanh nghiệp tiết kiệm chi phí do được hỗ trợ lắp miễn phí, không phải bỏ vốn lớn, từ đó lan tỏa nguồn năng lượng xanh trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Ông Trần Khắc Thân, đại diện chung tại thị trường Việt Nam của Công ty Jolywood Solar (Công ty con của Tập đoàn Jolywood Group – Trung Quốc) đã giới thiệu công nghệ tấm quang điện loại N, J-TOPCon... Vị này cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm kiếm những giải pháp hiện đại để vừa cho sản lượng cao hơn vừa giải quyết bài toán về kinh tế, tài chính. Giá sản phẩm đầu vào cho phát triển xanh có thể ở mức cao nhưng lại mang đến hiệu quả cao, đưa tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp ở mức khả quan.
Hiện việc đầu tư cho chuyển đổi xanh đang ngày càng cấp bách, bởi theo ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc Công ty LYTH, tỷ lệ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo hiện chỉ chiếm khoảng 20% các doanh nghiệp sản xuất, còn kém xa so với nhiều quốc gia trong khu vực. Vì thế, ông Linh cho rằng, vấn đề này cần phải thay đổi từ nhận thức của các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn quốc tế, giảm phát thải và chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
Trong đề xuất về phục hồi tổng cầu mới đây, về phát triển xanh, các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh của mình.
Các bộ tiêu chí cần bổ sung bao gồm toàn diện các khía cạnh của sản xuất xanh như cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại, tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng sạch cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh.
Về mặt tài chính, các chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh nhằm giải quyết nhu cầu nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ, các dự án khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, máy móc chuyển giao công nghệ phù hợp với chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải,… thì sẽ được hỗ trợ lãi suất vay.
Về mặt kỹ thuật, các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và giải pháp quản lý sản xuất cho doanh nghiệp cần được xây dựng và khuyến khích.
Ý kiến bạn đọc