Tìm cơ hội cho doanh nghiệp khi tham gia "cuộc đua xanh" toàn cầu

(HQ Online) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý, thực hiện phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chủ động tham gia vào “cuộc đua xanh” này.
"Điểm cộng" cho doanh nghiệp đề cao phát triển bền vững trong giao thương quốc tế Yếu tố bền vững sẽ giúp doanh nghiệp chinh phục thị trường châu Âu Xu hướng phát triển bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống
Sản xuất và kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu của doanh nghiệp.
Sản xuất và kinh doanh bền vững đã trở thành xu thế tất yếu của doanh nghiệp.

Đây là phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức. VCSF năm 2023 có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”.

Tăng tốc hành động cho kinh doanh có trách nhiệm

Theo ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn, trong thực hiện “cuộc đua xanh", doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu.

Do đó, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Các doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.

Khi đã chuyển đổi về tư duy, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kép là chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch HĐQT PNJ nhấn mạnh, sản xuất và kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn, thu hút tốt hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường mục tiêu theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể trụ vững, phục hồi trước các “cú sốc” bên ngoài và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững Tập đoàn PAN nhấn mạnh thêm, chiến lược phát triển bền vững hài hoà lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của công ty nhằm tối ưu hoá các nguồn lực. Bên cạnh đó, đây cũng là yêu cầu từ phía các khách hàng, đối tác, đặc biệt là các khách hàng châu Âu. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới các chỉ số về kinh tế mà họ còn quan tâm đến sự tuân thủ của các công ty về môi trường và xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của Diễn đàn.

Tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nêu rõ, phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế, Phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người và Phát triển bền vững môi trường.

“Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay”, Phó Thủ tướng nêu. Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của nền kinh tế, cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. VCCI đã, đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, trên “cuộc đua” hướng tới một tương lai xanh rộng mở, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững, không phải chỉ là thách thức, gánh nặng hay chi phí, mà cần phải coi đây là cơ hội hơn là thách thức. Cùng với đó là phải theo mệnh lệnh thị trường, để đảm bảo được định hướng cho phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải xây dựng một chiến lược kinh doanh tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh. Hơn nữa, để có thêm các giải pháp trong phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều