Tiếp tục giảm lãi suất, ngân hàng còn "may đo" các gói tín dụng ưu đãi

(HQ Online) - Trong chỉ đạo mới đây về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu ngân hàng thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1,5 - 2% VNBA kêu gọi các ngân hàng giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay Ngân hàng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Các ngân hàng đã dồn dập giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: SHB
Các ngân hàng đã dồn dập giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: SHB

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chỉ đạo các ngân hàng triển khai các các giải pháp cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn.

Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại tài sản nợ-có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/6/2023 là 16.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5.000 tỷ đồng. Tính đến 30/06/2023, tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại BIDV là khoảng 20.000 tỷ đồng. BIDV còn đưa ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay nhà ở thương mại giá trị thấp với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà…

Tương tự, Agribank đến nay cũng đã có lần điều chỉnh thứ 6 giảm lãi suất cho vay. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2-4 điểm % so với đầu năm.

Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cũng đưa ra yêu cầu NHNN cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Trong đó phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…

Vietcombank cũng đã tung gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng. Cá nhân vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn lãi suất cũng từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng…

Cùng với các ngân hàng có vốn nhà nước nhiều tiềm lực, nhiều ngân hàng cỡ nhỏ và vừa cũng đã tham gia giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

MSB đã công bố giảm 1% lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, MSB vẫn đang tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.

Tương tự, SHB dành 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao với lãi suất từ 8,97%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn dành riêng gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên; lãi suất cho vay từ 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 10,8%/năm trong 12 tháng.

Cùng với đó, nhiều ngân hàng như Techcombank, MB, VPBank... cũng đã công bố mức giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm…

Cùng với ưu đãi lãi suất, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp của SHB cho hay, trước những khó khăn của doanh nghiệp và để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, SHB đã thiết kế các sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến các sản phẩm hiện hữu phù hợp với từng ngành nghề, từng nhóm khách hàng.

Chính vì thế, tại nhiều ngân hàng, các gói tín dụng ưu đãi đều được xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn riêng đảm bảo “may đo” phù hợp với nhu cầu vay vốn và đặc điểm của từng đối tượng khách hàng như quy trình cấp tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành như dược phẩm, điện, ngành xây lắp, giáo dục, y tế, các dự án xanh... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất về điều kiện lựa chọn.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn kỳ vọng, việc đưa ra nhiều quy định khá chi tiết cho các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cho vay trực tuyến trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN của NHNN có hiệu lực từ 1/9/2023 sẽ giúp các ngân hàng mở rộng mảng tín dụng bán lẻ và khách hàng dễ tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trước.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều