Thủ tướng: Đảng, Nhà nước và Nhân dân là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân

(HQ Online) - Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Lan tỏa hào khí doanh nhân Việt Nam
Đội ngũ doanh nhân là nguồn “nhân lực đặc biệt” cho hiện đại hóa và hội nhập
Bộ Chính trị đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát huy vai trò của doanh nhân thời kỳ mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP

Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lành mạnh hóa các lĩnh vực tài chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho hay, qua số liệu tài chính, thu ngân sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân, đóng góp của 3 khu vực kinh tế: Doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh, chiếm từ 52-55% số thu ngân sách, nếu tính trên tổng thu cả dầu thì chiếm từ 43-46%. Điều đó thể hiện vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp doanh nhân.

Vì thế, trong 3 năm 2020-2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành các chính sách về gia hạn, miễn giảm các khoản thuế, lệ thí và tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Năm 2020, tổng quy mô giải pháp hỗ trợ là 129 nghìn tỷ; năm 2021 là 145 nghìn tỷ; năm 2022 là 233 nghìn tỷ. Năm 2023, dự kiến là 196 nghìn tỷ, trong đó gia hạn 21 nghìn tỷ, số tiền miễn giảm khoảng 75 nghìn tỷ, bao gồm phần tiền thuê đất mà Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách, đẩy mạnh lành mạnh hóa các lĩnh vực tài chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: N.V
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: N.V

Nhận xét về tình hình doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Hơn nữa, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có tổng doanh thu đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm; lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen... Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

Mong muốn chính sách và chương trình hành động cụ thể

Chia sẻ về những nỗ lực của mình, các doanh nghiệp đều bày tỏ “phấn khởi” trước những hỗ trợ và chính sách từ Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cho doanh nghiệp thêm cơ hội phát triển.

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan bày tỏ, các bộ ngành đã luôn hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội hợp tác và mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng vào đầu tư nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, kiến tạo những giải pháp đột phá, phát triển các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Phạm Đình Ngãi, Chủ tịch Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) cho biết, Công ty đã sẵn sàng để mang sản phẩm nông nghiệp Việt ra thế giới, nhờ những hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức quốc tế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kiến nghị cần có chính sách, chương trình hành động hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: VGP

Đại diện cho doanh nghiệp Thủ đô, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA cũng bày tỏ kỳ vọng về các sản phẩm “Make in Vietnam”. Nhưng bà Thúy kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nói riêng và doanh nghiệp nói chung phát triển.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Đảng và Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản.

Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam…

Luôn sát cánh, chia sẻ với cộng đồng doanh nhân

Phát biểu kết luận buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Vì thế, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tinh thần là "hạ tầng thông suốt, chính sách thông thoáng, điều hành thông minh".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao tinh thần vươn lên phát triển của đội ngũ doanh nhân. Vì thế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung vào những nhóm nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh…

Chính phủ cũng sẽ có giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như: vốn, bất động sản, lao động…

Vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở hoạt động doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, theo Thủ tướng, cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số; hoạt động đúng pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội…

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết. Tinh thần là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều