Thông tin Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam là không chính xác

(HQ Online) - Mới đây, một số thông tin trên mạng xã hội lan truyền thông Nike cũng như một số doanh nghiệp FDI ngành thời trang, da giày chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là thông tin thất thiệt.
Xuất khẩu dệt may, da giày đều khó phục hồi nhanh
Doanh nghiệp Mỹ lao đao khi chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt
80% nhà máy da giày phía Nam tạm ngừng sản xuất, mất đi nhiều đơn hàng
hơn một nửa sản lượng giày dép và khoảng 1/3 sản xuất hàng may mặc của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Hơn một nửa sản lượng giày dép và 1/3 hàng may mặc của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Một số thông tin cho rằng, do đối mặt với những khó khăn do giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất bị gián đoạn, Tập đoàn Nike đã chuyển sản xuất khỏi Việt Nam sang Trung Quốc và Indonesia. Không chỉ Nike, các thông tin này còn cho biết, một số thương hiệu thời trang, da giày khác cũng có những động thái tương tự.

Trong 9 tháng năm 2021, báo cáo từ Hiệp hội Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, xuất khẩu da giày các loại ước đạt 15,56 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 3,1% so với năm 2019 trước đại dịch. Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giầy chỉ tăng 4,5% và chỉ số sử dụng lao động của ngành giảm 23,8%.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) khẳng định, thông tin các doanh nghiệp trên chuyển sản xuất khỏi Việt Nam là hoàn toàn không chính xác.

Theo bà Xuân, 88 nhà máy trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất các sản phẩm sneaker (giày thể thao) đang rất đắt hàng mang nhãn hiệu Nike. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép.

“Việc Nike chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác là có, nhưng không có chuyện chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam", bà Phan Thị Thanh Xuân nêu rõ.

Cũng khẳng định các thông tin trên là không chính xác, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương lý giải, thời gian này, một số đơn hàng của Nike đến hạn, nên để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ, Nike đã chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác.

Đặc biệt, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho hay, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành mới đây, CEO của Nike đã khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác.

Theo một chia sẻ trên Cổng thông tin Chính phủ vào ngày 27/9, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, Nike có 9 công ty gia công tại Long An, trong đó 6 đơn vị đã hoạt động sản xuất trở lại, 3 đơn vị còn lại có kế hoạch tái sản xuất, dự kiến đi vào hoạt động trong những ngày tới. Nhờ đó, các doanh nghiệp này sẽ vẫn đảm bảo làm đối tác gia công sản xuất cho Nike. Đồng thời, cũng không loại trừ một số doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh sẽ xúc tiến, làm đối tác của Nike trong thời gian tới.

Mới đây nhất, vào ngày 30/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN. Tại đây, các doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ việc thực hiện nhiệm vụ kép của Việt Nam và cam kết sẽ cùng Việt Nam để vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.

Nhưng để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp Mỹ đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất như tiếp tục có các gói hỗ trợ; sớm mở cửa trở lại quy mô rộng hơn để nhiều nhà máy được mở cửa sản xuất nhiều hơn, công suất cao hơn, hỗ trợ hoạt động chuỗi cung ứng.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều