Techcombank: Ngân hàng luôn quản lý trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay

(HQ Online) - Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) diễn ra vào ngày 22/4 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng.
Ngân hàng đặt nhiều "tham vọng" với mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng đã cận kề, nhiều thông tin mới được hé lộ
Techcombank huy động thành công khoản vay quốc tế trị giá 1 tỷ USD
ĐHĐCĐ Techcombank diễn ra vào ngày 22/4 tại Hà Nội.
ĐHĐCĐ Techcombank diễn ra vào ngày 22/4 tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2023 đạt 511.297 tỷ đồng, tăng trưởng 15% hoặc cao hơn tùy theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động.

Nói về động lực cho tăng trưởng, theo ban lãnh đạo Techcombank, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5-6,5%, với nhiều biến động cũng như khó khăn tiềm ẩn do cả yếu tố trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng với các xu hướng và triển vọng vĩ mô trung và dài hạn vẫn được duy trì. Các xu hướng như gia tăng đô thị hóa và gia đình hạt nhân, cùng tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp là cơ sở cho tiềm năng của thị trường bất động sản.

Năm 2022, vốn chủ sở hữu của Techcombank tăng thêm 21,9% lên 113.425 tỷ đồng, đứng thứ hai hệ thống ngân hàng, chỉ sau Vietcombank. Trong đó, tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank đến cuối năm ngoái đạt hơn 64.400 tỷ đồng, cao nhất ngành ngân hàng. Ban lãnh đạo Techcombank cho rằng, “kho” dự trữ lợi nhuận này giúp Techcombank hoàn toàn chủ động trong các mục tiêu kinh doanh 2023 và các năm tiếp theo, và có thể tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất nhì hệ thống nếu cần thiết.

Hơn nữa, Techcombank vẫn nằm trong nhóm ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2022 chỉ ở mức 0,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của Techcombank cũng NHNN duy trì ở mức cao nhất hệ thống là 15,2%, tăng so với mức 15,0% cuối năm 2021. Kết quả này được góp phần bởi sự dịch chuyển cơ cấu tín dụng sang cho vay cá nhân với hệ số rủi ro thấp hơn (trung bình khoảng 73% trong năm 2022, so với mức 103% của tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn) và việc ngân hàng tiếp tục thực thi chính sách thận trọng không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Techcombank nhận định, do môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Vì thế, trả lời câu hỏi của cổ đông về sự thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, kế hoạch đặt ra tương đối thận trọng, nhưng hiện tại kết quả kinh doanh quý 1/2023 đang vượt so với kế hoạch.

Ngoài ra, khi được cổ đông hỏi về sự chuẩn bị của ngân hàng trước những biến động của nền kinh tế, ông Hồ Hùng Anh nêu rõ, ngân hàng đã liên tục kiểm tra tính chịu đựng của thanh khoản, đồng thời chuẩn bị các kịch bản khác nhau nhằm đảm bảo cho những căng thẳng có thể xảy ra, đây là hoạt động thường nhật và xuyên suốt, từ các cấp quản trị đến điều hành, thực thi hàng thông qua các quy trình, nền tảng minh bạch, rõ ràng.

Liên quan đến vấn đề nóng của thị trường hiện nay là trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo Techcombank khẳng định, ngân hàng luôn quản lý trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay, với việc quản lý từ “sức khỏe” của khách hàng trong vấn đề trả nợ, tài sản đảm bảo. Vì thế, dù Techcombank có khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn, nhưng chưa có trái phiếu nào quá hạn kể cả gốc và lãi. Do đó, ông Hồ Hùng Anh kỳ vọng, hiện thị trường đang suy giảm nhưng khi có giải pháp để phục hồi trở lại, thì tốc độ phát triển của Techcombank trong mảng trái phiếu sẽ tốt hơn.

Năm nay, ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua phương án trích 32.676 tỷ đồng lợi nhuận chưa sử dụng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cũng trích thêm 1.791 tỷ đồng quỹ dự phòng tài chính và một phần nhỏ trích quỹ phúc lợi (38 tỷ đồng). Phần lợi nhuận còn lại được giữ lại nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh.

ĐHĐCĐ Techcombank cũng thông qua kế hoạch phát hành hơn 5,27 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tỷ lệ phát hành 0,1499%. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 52,7 tỷ đồng. Sau phát hành vốn điều lệ Techcombank tăng lên trên 35.225 tỷ đồng. Số tiền thu được sẽ được bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

(HQ Online) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vào ngày 20/4, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank cũng đang xem xét tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược để tìm cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Đọc nhiều