Sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc "quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát"

(HQ Online) - Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính cho biết, việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện còn chưa chủ động, kịp thời như việc đầu tư vốn vào một số tổng công ty hay các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước…
Hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước phát huy hiệu quả nguồn vốn, tài sản được giao "Soi" tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước Bức tranh sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế

Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chậm trễ phân bổ vốn đầu tư công làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng. 	Ảnh: ST
Hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi. Ảnh: ST

Chẳng hạn, tên, phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 bao gồm sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp dẫn đến chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước, can thiệp trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, còn có các quy định làm hạn chế quyền của doanh nghiệp.

Hơn nữa, các quy định này chưa tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý thống nhất để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa đảm bảo đầy đủ nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, công bằng thị trường.

Đối tượng áp dụng chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp dưới 100% vốn điều lệ các doanh nghiệp có vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp có vốn góp của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp. Một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn bất cập trong thực tiễn về cho vay, đầu tư, mua bán tài sản cố định...

Dự thảo Tờ trình cũng cho biết, việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt như việc đầu tư vốn vào Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM.

Ngoài ra, một số chính sách liên quan đến quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn nằm phân tán, chưa tập trung trong Luật. Các nội dung về thực hiện quyền, trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách chưa được quy định trong Luật...

Nguồn lực nhà nước phải được quản lý thống nhất

Do đó, dự thảo Tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát, sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Theo Bộ Tài chính, quan điểm xây dựng Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) sẽ kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản trị của doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước...

Đáng chú ý, Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) sẽ quy định rõ nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nguồn lực nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất. Việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, đảm bảo nguyên tắc “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”, vốn nhà nước đầu tư ở đâu phải được quản lý, giám sát, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại dự thảo Tờ trình này, Bộ Tài chính nêu rõ 6 chính sách với mục tiêu, giải pháp, lý do lựa chọn chính sách rất cụ thể.

6 chính sách bao gồm: Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Quản trị doanh nghiệp.

Dự thảo Tờ trình cho biết, thời gian dự kiến trình thông qua Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi) là quý 4/2024 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đọc nhiều