"Soi" tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước
Công nhân kiểm tra thiết bị tại chuỗi dự án LNG Thị Vải. Ảnh: PV GAS |
Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kết quả tích cực, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải ngân được 29.803 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đạt 12.731 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 3.705 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt 3.663 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt 3.200 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt 1.417 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 1.082 tỷ đồng...
Một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể như: hoàn thành đầu tư và vận hành nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023; đã đánh giá hồ sơ chào thầu phần kỹ thuật EPC chuỗi dự án Lô B, các gói thầu khác đang triển khai tích cực để chào thầu đồng bộ với tiến độ dự án; đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện chủ đầu tư BRS đang sớm hoàn thành đấu thầu lập FS; dự án LNG Thị Vải đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng chạy thử vào ngày 10/7/2023.
Cùng với đó, EVN đã hoàn thành 51 công trình lưới điện 110-500Kv; TKV đã hoàn thành xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Hợp đồng EPC dự án bô-xít tại Lâm Đồng, thực hiện thanh toán cho nhà thầu tránh nguy cơ khiếu kiện…
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty cũng tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công dự án để sớm khởi công một số dự án đầu tư còn có vướng mắc về thủ tục đầu tư, di dời và xử lý hạ tầng kỹ thuật có liên quan, giải phóng, bàn giao mặt bằng.
Trong đó, có thể kể đến dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) - Dự án thành phần 3, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án phát triển mỏ Lô B, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Các dự án này tuy đạt được thành tích khả quan, nhưng theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số dự án còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn trong công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy hoạch đất đai tại địa phương, hồ sơ giấy tờ, tranh chấp quyền sử dụng đất...
Vì thế, trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác thanh quyết toán; phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng dự án.
Các tập đoàn, tổng công ty cần tập trung cao độ nguồn lực để bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện đối với những dự án lớn, quan trọng như các nhà máy thủy điện; các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí; cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng nhà ga T2 càng hàng không quốc tế Nội Bài; các dự án đường cao tốc như Bến Lức - Long Thành, Nội Bài - Lào Cai; xây dựng 2 bến container số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (TP Hải Phòng); xây dựng bến cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)…
Ủy ban cũng sẽ thực hiện kế hoạch giám sát tài chính, giám sát đầu tư năm 2023 đã ban hành; tiến hành giám sát đột xuất với một số dự án, doanh nghiệp theo yêu cầu quản lý. Kịp thời rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Ý kiến bạn đọc