Sách Trắng EuroCham: Tăng hiệu quả cạnh tranh từ cơ sở hạ tầng và thủ tục hải quan

(HQ Online) - Theo khuyến nghị từ Sách Trắng 2024 vừa được công bố của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cơ sở hạ tầng hậu cần chất lượng cao và thủ tục hải quan hiệu quả là hai mục tiêu chính Việt Nam cần đạt được để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gia tăng năng lực cạnh tranh, kết nối các công ty nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiệu quả cao từ tham vấn giá tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư Kết nối Cơ chế một cửa để tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý hải quan EuroCham: Kinh tế 2024 ổn định và cải thiện là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thu hút FDI
Sách Trắng EuroCham: Tăng hiệu quả cạnh tranh từ cơ sở hạ tầng và thủ tục hải quan
Ngày 16/1, tại Hà Nội, EuroCham tổ chức lễ công bố Sách Trắng thường niên lần thứ 15.

Cơ hội để đi đầu trong phát triển chuỗi cung ứng xanh của EU

Sách Trắng là ấn bản thường niên của EuroCham, 2024 là năm thứ 15 ra mắt, với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững”. Sách Trắng là một bản tóm tắt hợp tác đưa ra các khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.

Theo đó, về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Sách Trắng năm nay của EuroCham nhận định, Việt Nam nổi lên như một thành viên xuất sắc trên thị trường nhập khẩu của EU và là một thành viên chuỗi cung ứng then chốt của khối. Kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào gần 2.250 dự án của Việt Nam.

Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) mới đây đã xác nhận xu hướng tăng này với 31% thành viên chọn Việt Nam là một trong số ba điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản để phù hợp với trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn trong khi việc đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp trong nước cũng có thể là một thách thức.

Do vậy, EuroCham cho rằng, cải thiện hậu cần, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, cộng với việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững dù đặt ra những trở ngại đáng kể nhưng nếu vượt qua được, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong phát triển chuỗi cung ứng xanh của châu Âu.

Theo đó, các thành viên EuroCham bày tỏ ủng hộ về các quyết định liên quan đến cải cách cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hiện đại hóa hệ thống logistics của Chính phủ Việt Nam. Trong đó có Quyết định 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; với việc cung cấp các giải pháp để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hiện đại hóa hệ thống nhà ga, bến cảng, kho bãi và sử dụng hiệu quả quỹ đất.

EuroCham nhận định, những giải pháp này nhằm đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các trung tâm logistics với khu vực sản xuất, các điểm tiêu thụ và các đầu mối giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của các trung tâm logistics.

Vì thế, Sách Trắng của EuroCham khuyến nghị, trong bối cảnh EVFTA đã đi vào hiệu lực, Chính phủ cần đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và logistics nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu để Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ các lợi ích mà FTA này đem lại.

Nói cụ thể hơn về rào cản trong phát triển hạ tầng logistics, EuroCham cho biết đó là vướng mắc trong phê duyệt an toàn phòng cháy chữa cháy. Mặc dù các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng và cần được tuân thủ nghiêm ngặt nhưng phải có hướng dẫn rõ ràng hơn.

Hỗ trợ hoàn thiện khung trị giá hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế

Về vấn đề liên quan đến hải quan, Sách Trắng 2024 nêu, trị giá hải quan vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, các doanh nghiêp châu Âu tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được tham gia vào một đề án tương tự Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan đến năm 2023 trong thời gian tới để có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm giúp Tổng cục Hải quan hoàn thiện khung trị giá hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế và Hiệp định về xác định trị giá tính thuế hải quan của WTO.

Về phân loại mã HS, EuroCham đánh giá cao nỗ lực của cơ quan Hải quan Việt Nam trong việc tăng cường sự nhất quán trong việc áp dụng mã HS trên toàn quốc. Tuy nhiên, EuroCham mong muốn được nâng cao về hướng dẫn và thông tin về các quy định, đồng thời cho phép doanh nghiệp làm theo hướng dẫn để tự đánh giá mã số HS nào là phù hợp cho hàng hóa họ nhập khẩu vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam, giúp giảm tải gánh nặng cho cơ quan Hải quan trong việc hướng dẫn phân loại mã số HS.

Ngoài ra, Sách Trắng cũng khuyến nghị, các hoạt động đào tạo, hội thảo liên quan cần được tổ chức xen kẽ với phần hỏi đáp để cơ quan Hải quan và doanh nghiệp tích cực trao đổi sau khi hướng dẫn được ban hành, cho phép doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị và sẵn sàng khi các quy định có hiệu lực.

Cùng với những vấn đề trên, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, năm 2024 sẽ có những khó khăn, dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP nhưng môi trường kinh tế có thể sẽ không thuận lợi như trước năm 2020. Đó là những thách thức khi xuất nhập khẩu chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng… Nhưng vị này nhận định, bằng cách thường xuyên, linh hoạt điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội cho tăng trưởng.

Ngoài ra, các chuyên gia và đại diện EuroCham bày tỏ, với việc giải quyết những vấn đề được nêu trong Sách Trắng 2024 thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc thực thi hiệu quả EVFTA, có thể giúp đạt được việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định Bảo hộ giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVIPA). Nỗ lực này rất quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU theo hướng có lợi cho cả hai bên.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều