Ở thế “ngồi trên đống lửa”, doanh nghiệp gỗ có loạt đề xuất

(HQ Online) - Khó khăn bủa vây khiến hầu hết doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ không hoàn thành các đơn hàng đã nhận hoặc phải giãn thời gian giao hàng. Nếu tình hình không được cải thiện, doanh nghiệp có thể phải đối diện nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường lớn.
Xuất khẩu gỗ liên tục “lao dốc” sau tăng trưởng đột phá
2 kịch bản xuất khẩu gỗ
Đơn hàng tăng 30%, xuất khẩu gỗ đạt 16 tỷ USD “trong tầm tay”
Ảnh'; Nguyễn Thanh
Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp gỗ. Ảnh: Nguyễn Thanh

Trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất

Thông tin tại Hội nghị giao ban về chế biến gỗ và lâm sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 7/9/2021, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

Những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng… Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.

Chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “2 tại chỗ” đã tăng khoảng 20-30%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng mức giảm này được các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ nhận định là không đáng kể so với thiệt hại.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) nhấn mạnh: "Vô cùng khó khăn nhưng đến nay doanh nghiệp cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào, chưa được giảm lãi suất. Đề nghị Bộ NN&PTNT có những kiến nghị sang Ngân hàng Nhà nước chứ không thể nói suông mãi được".

Đáng chú ý, theo ông Lập, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần). Điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 – 20.000 USD/1 container. Với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn.

Với những khó khăn trên, hầu hết doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng.

Dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.

Nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) thông tin thêm, khoảng 2-3 tháng trở lại đây, nhiều nhà máy lớn ngừng cung ứng hàng cho đối tác. Một số nhà cung ứng đang cân nhắc có tiếp tục mua hàng của Việt Nam hay không, có suy nghĩ chuyển dịch chuỗi cung ứng. “Đây là điều rất quan trọng tác động lâu dài đến ngành gỗ”, ông Khanh nói.

Vị này cho rằng, chiến lược ứng phó thời gian tới phải xác định rõ tác động, cố gắng giữ chân khách hàng và nguồn thu cho doanh nghiệp.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), trong bối cảnh hiện nay, tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu. Tiêm vắc xin cho người lao động mới có thể thực hiện được “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Đỗ Xuân Lập nêu rõ đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế.

Các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc xin cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.

Đồng thời, đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế.

Tín dụng là vấn đề nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tại hội nghị sáng nay. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay.

Đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%.

Riêng về cước phí vận chuyển, doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan làm việc với các hãng tàu lớn yêu cầu có lộ trình giảm cước phí vận tải biển; có giải pháp khuyến khích phát triển các đội tầu trong nước hoặc và vận tải bằng các hình thức khác như đường sắt liên vận…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, trong khó khăn vẫn phải nhìn ra lợi thế, thuận lợi. Ngành gỗ Việt Nam có thị trường rộng mở; đồng thời toàn ngành cũng đã xây dựng được uy tín, thương hiệu.

“Tôi đề nghị từng doanh nghiệp tư duy xây dựng kịch bản thật bài bản. Mỗi doanh nghiệp có nguồn lực riêng, xây dựng kịch bản phục hồi cho phù hợp, có tính khả thi, lịch trình rõ ràng. Vấn đề lao động, nguồn vốn, kết nối thị trường ra sao… Bộ NN&PTNT cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt khó”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều