Ngành bán lẻ: Gập ghềnh trước “cơn sóng dữ” Covid-19

(HQ Online) - Trong báo cáo nghiên cứu về thị trường Bán lẻ trong thời gian vừa qua và Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2021 công bố ngày ngày 22/10/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra rằng ngành bán lẻ là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của đại dịch Covid-19 nhưng cũng thể hiện khả năng phục hồi nhanh so với các ngành khác.
Dịch vụ bán hàng tận nhà “cứu nguy” doanh số cho ngành bán lẻ
Quý I: Ngành bán lẻ, công nghệ thông tin và ngân hàng tăng trưởng cao
Ngành bán lẻ “gồng mình” giữ thị phần

Ngành bán lẻ: Gập ghềnh trước “cơn sóng dữ” Covid-19
Tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa theo tháng (YOY%). Nguồn Vietnam Report

Trồi sụt theo từng tháng

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng nhưng sức tàn phá chưa nặng nề, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì đà tăng 6,8% so với năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021 với làn sóng thứ 4 quay trở lại, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 ước đạt 2.779,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 8, doanh thu bán lẻ giảm 8% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ nhưng đã có sự tăng nhẹ gần 4,5% trong tháng 9 khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại nhiều tỉnh.

Điều đáng nói là sự tác động này không đồng đều, đối với nhóm hàng lâu bền như vàng bạc đá quý, đồ điện tử, điện lạnh v.v…, 71,43% doanh nghiệp đánh giá chịu tác động nghiêm trọng và 28,57% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng vừa phải. Đối với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày, chỉ có 16,67% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiệm trọng; 58,33% đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 25,00% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể.

Nhưng tựu chung lại, có tới 4 khó khăn ngành bán lẻ gặp phải trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, đó là sự thận trọng hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng (89,47%); đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh và khó khăn trong khâu vận chuyển (78,95%); đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng (73,68%); đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng cao đột biến (57,89%).

Riêng khó khăn thứ 4 được cho vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các mặt hàng thực phẩm, nhu cầu thiết yếu. Vào thời điểm bị giãn cách xã hội, các đơn hàng online tại các cửa hàng, siêu thị có lúc tăng từ 5-7 lần khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan như nhiều địa phương áp dụng chỉ thị 16, sự cố như trang web, app bị quá tải, nhiều đơn hàng bị tắc nghẽn, không thể giao hàng trong ngày như trước và mã giảm giá bị lỗi do số lượng đơn hàng tăng, thiếu hụt nhân viên đóng gói, tài xế công nghệ và quy định về thời gian hoạt động của siêu thị nên có tới 2,94% người được hỏi thất vọng về hiệu suất của các nhà bán lẻ trực tuyến liên quan đến tính sẵn có của sản phẩm và hoặc giao hàng nhanh chóng.

Triển vọng những tháng cuối năm 2021

Các chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng có 4 yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng nhất đến kết quả cũng như chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới, đó là: khả năng kiểm soát dịch bệnh và tốc độ bao phủ vắc xin; sự thay đổi hành vi và các phương pháp tiếp cận người tiêu dùng; mức thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng; sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng mua hàng trực tuyến. Soi chiếu 4 yếu tố này với bối cảnh hiện nay khi mà làn sóng Covid lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp, thu nhập bị ảnh hưởng và người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu để thấy được động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm chủ yếu đến từ kênh bán hàng trực tuyến với những nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và nhóm ngành hàng phục vụ nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến.

Trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là một nước có dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ba lần vượt sóng Covid-19 đã cho thấy sự phục hồi nhanh của ngành bán lẻ, cho nên tất yếu sẽ có những kỳ vọng vào sức bật, sự bùng nổ của thị trường sau khi các chỉ thị giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các cửa hàng bán lẻ được mở cửa trở lại, tỷ lệ tiêm chủng tăng cao nhất là tại các thành phố lớn. Thống kê của công ty chứng khoán Agriseco chỉ ra ngành bán lẻ đứng thứ ba trong các nhóm cổ phiếu có mức sinh lời cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát với mức trung bình đạt 27,7%, đứng trên một số nhóm ngành như dịch vụ tài chính (25,9%), sản xuất dầu khí (23,8%), ngân hàng (21,3%).

Tuy nhiên, để ngành bán lẻ có thể phục hồi nhanh chóng, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, ngoài các giải pháp hỗ trợ như năm 2020 gồm: hỗ trợ kích cầu người tiêu dùng (68,42%); bổ sung hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế (63,16%); hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số (47,37%),… Chính phủ cần bổ sung chính sách hỗ trợ và quản lý thị trường kinh doanh trực tuyến (78,95%) để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bên cạnh đó là hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng thương mại số như trung tâm phân phối, trung tâm logistics, kho bãi, kho bảo quản lạnh – một vấn đề hết sức cấp thiết trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, mô hình kinh doanh đa dạng.

Ngành bán lẻ: Gập ghềnh trước “cơn sóng dữ” Covid-19

10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2021 - Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị

Nguồn: Vietnam Report

Ngành bán lẻ: Gập ghềnh trước “cơn sóng dữ” Covid-19

Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2021 - Nhóm hàng lâu bền: Điện máy, điện lạnh, vàng bạc….

Nguồn: Vietnam Report

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều