Ngân hàng “rầm rộ” rao bán xe sang, quyền sử dụng đất... để thu hồi nợ
Tỷ lệ dự phòng cao, ngân hàng bớt nỗi lo nợ xấu | |
Infographics: Kết quả kinh doanh ngân hàng và những cái nhất trong năm 2021 | |
16 ngân hàng đã giảm lãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt cam kết |
Website của nhiều ngân hàng đã đăng tin phát mại, thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Ảnh chụp màn hình minh họa |
Khảo sát thông tin từ các ngân hàng, VIB và TPBank đang là 2 ngân hàng rao bán nhiều ô tô thanh lý, trong đó có những mẫu ô tô hạng sang đời mới có giá lên tới hàng tỷ đồng.
Như tại TPBank, trong ngày 16/2, ngân hàng này đăng 3 thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là 3 xe ô tô các hãng khác nhau với giá khởi điểm từ 160 triệu đến gần 500 triệu đồng. Trước đó mấy ngày, ngân hàng này cũng rao bán 1 xe Mercedes Benz E250 đời 2018 với giá khởi điểm 1,47 tỷ đồng.
Với giá trị lớn hơn là bất động sản, nhà máy… nhiều ngân hàng còn rao bán với giá khởi điểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn, mới đây nhất, Vietcombank thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Kim loại Việt Phong với giá khởi điểm hơn 13,6 tỷ đồng. Trước đó là tài sản đảm bảo của Tổng công ty Tư vấn thiết kế dàu khí (PVE) với giá khởi điểm hơn 325 tỷ đồng. Thậm chí, vào cuối tháng 1/2022, ngân hàng này còn thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, công trình và máy móc thiết bị của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm gần 1.100 tỷ đồng…
Tương tự, BIDV Thừa Thiên - Huế thông báo phát mại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 1.100 m2, là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thanh Trang, với giá khởi điểm hơn 99 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn thông báo thanh lý tài sản đảm bảo tồn đọng, đã “đại hạ giá” từ những đợt đấu giá trước đó. Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn vừa tổ chức bán đấu giá 6 quyền sử dụng đất và công trình nhà cửa gắn liền của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới với giá khởi điểm gần 430 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 12/2021, khối tài sản này đã được thông báo phát mại với mức giá khởi điểm tương tự.
Ngân hàng Nhà nước thống kê sơ bộ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2021 khoảng 1,9%, tăng 0,21% so với cuối năm liền trước. Tỷ lệ nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 3,79%.
Vì thế, diễn biến này cho thấy, nợ xấu vẫn là nỗi lo của các ngân hàng. Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, rủi ro cho nợ xấu ngân hàng là Thông tư 14 về cơ cấu nợ không được gia hạn. Tuy nhiên, ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng được hồi phục. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu.
Các chuyên gia SSI cho rằng, nếu việc mở cửa lại hoàn toàn diễn ra vào nửa cuối năm 2022 mà không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nghiêm ngặt nào, các khoản vay tái cơ cấu sẽ được phục hồi. Theo đó, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ càng cao thì tỷ lệ phục hồi càng tốt. Một số ngành như du lịch và hàng không (chiếm 2,1% tổng dư nợ) có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại trạng thái thanh toán bình thường.
Tuy nhiên, tại các ngân hàng mà SSI nghiên cứu, tỷ lệ tài sản đảm bảo là nhà ở trên tổng tín dụng dao động từ 85-188%. Đứng đầu danh sách gồm có ACB (188%), VietinBank (168%) và Sacombank (166%).
Các chuyên gia cảnh báo, giá nhà sụt giảm sẽ là rủi ro chính cần theo dõi trong trung hạn vì khoảng 60% tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản. Tuy nhiên, thị trường nhà ở sẽ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trong năm 2022 do lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức thuận lợi. Theo đó, giá nhà và đất được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tại cuộc khảo sát mới đây về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhận định, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý 4/2021, nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý 1/2022.
Ý kiến bạn đọc