Ngân hàng lo ngại rủi ro do thiếu khuôn khổ pháp luật về giao dịch điện tử

(HQ Online) - Thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng, trung gian tài chính gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro pháp lý do thiếu khuôn khổ pháp luật quy định về giao dịch điện tử.
Đơn giản hóa giao dịch điện tử để thúc đẩy giao thương xuyên biên giới
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch trên môi trường điện tử
Công nghệ thay đổi, cần khung khổ pháp lý phù hợp hơn cho giao dịch điện tử

Ngày 27/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giao dịch Điện tử (sửa đổi).

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Tọa đàm.
Các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham dự Tọa đàm.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, sau 16 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã cùng các luật liên quan tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dân sự, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, sự bùng nổ của chuyển đổi số, hoạt động của các ngân hàng, trung gian tài chính còn nhiều khó khăn, rủi ro pháp lý do thiếu khuôn khổ pháp luật quy định về giao dịch điện tử. Vì thế, VNBA đã nhiều lần có văn bản phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền về những vướng mắc, bất cập của ngân hàng, công ty công nghệ tài chính (fintech) liên quan đến hoạt động ngân hàng điện tử.

Theo đại diện VNBA, dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) đổi sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay, giúp các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ngân hàng có cơ sở pháp lý hoàn thiện để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số thành công.

Đồng tình với quan điểm trên, nhưng tại tọa đàm, các chuyên gia và đại diện ngân hàng, công ty tài chính vẫn chỉ ra một số nội dung chưa thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay tại dự thảo Luật.

Chẳng hạn như việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tự lựa chọn loại chữ ký điện tử phù hợp với nhu cầu về tính khả dụng và độ an toàn; quy định về sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài còn chưa phù hợp thực tiễn; hay việc quy định chỉ được sử dụng chữ ký số đối với các giao dịch nhằm mục đích kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bằng phương thức điện tử của các tổ chức tín dụng…

Ngoài ra, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông còn chung chung; những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ, có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm…

Do đó, các ngân hàng đề nghị dự thảo Luật cần cho phép các ngân hàng thương mại là tổ chức đặc biệt được phép chứng thực chữ ký điện tử nội bộ do việc quản lý chữ ký, nhân sự nội bộ qua hệ thống là rất chặt chẽ, được kiểm soát qua nhiều bộ phận độc lập.

Hơn nữa, dự thảo cũng chưa có quy định về các vi phạm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao dịch điện tử, nên cần bổ sung thêm quy định cụ thể để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp đối với từng mức độ vi phạm nhất định.

Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, hiện tại đối với hoạt động của ngân hàng điện tử đã có quy định của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh. Việc quy định ràng buộc điều chỉnh nội dung này đối với ngân hàng sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống đã được xây dựng và sử dụng ổn định của ngân hàng, cũng như gây ra tình trạng chồng chéo quy định điều chỉnh cho cùng 1 hệ thống.

Các ngân hàng cũng cho biết, hiện cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế không công nhận chữ ký số trong giao dịch của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch một cách tự nguyện sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ, việc các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và tự công nhận chữ ký số giữa các doanh nghiệp với nhau là hoàn toàn theo ý chí tự nguyện. Nên đề nghị có quy định trong giao dịch giữa các bên, khi các bên thỏa thuận công nhận chữ ký số thì sự thỏa thuận đó được ghi nhận.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều