Ngân hàng chiếm ưu thế trong Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021

(HQ Online) - Ngày 15/10/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021. Đáng chú ý, trong top 10 bảng xếp hạng xướng tên khá nhiều ngân hàng.
Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam
Công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020
Viettel nằm trong Top 3 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp

Ngân hàng chiếm ưu thế trong Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021

Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report trong giai đoạn 2017 - 2021. Nguồn Vietnam Report

Cụ thể, trong top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021, có tới 3 ngân hàng được xướng tên, đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), còn trong Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021, có tới 6 ngân hàng được xướng tên, đó là Techcombank; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); Ngân hàng TMCP Á châu (ACB); Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Cuối tháng 7/2021, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VIB… đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế cho biết nhiều tổ chức tín dụng hiện nay đã nâng cao được sức khỏe tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Song song với đó, nhiều ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động thông qua ngân hàng số và thanh toán điện tử. Với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng giúp gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Nhìn chung, ngân hàng hoạt động tốt trong giai đoạn này là một tín hiệu tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế khi xảy ra khủng hoảng, sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đối với nhóm doanh nghiệp phi tài chính, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của 281 doanh nghiệp niêm yết trong bảng PROFIT500 năm nay cho thấy lợi nhuận tăng bình quân 144,3% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ giữ thế "thượng phong" trong năm 2021, theo nghiên cứu của Vietnam Report, trong suốt 5 năm qua, ngành Tài chính cùng với ngành Bất động sản - Xây dựng, và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn giữ vững vị trí là Top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500.

Năm nay, trong top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam cũng xướng tên đại diện của ngành Bất động sản - Xây dựng (Tập đoàn Vingroup - Công ty CP) và ngành Thực phẩm - Đồ uống (Công ty CP Sữa Việt Nam) và 2 đại diện này cũng được xướng tên trong Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021.

Tuy nhiên, trong 3 nhóm ngành trên, đáng chú ý, nhóm ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn giữ được mức ổn định trong phát triển, lần lượt dao động quanh mức 11% và 10%, riêng ngành Bất động sản - Xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng.

Về tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận (CAGR), trong suốt 5 năm qua, trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%. Trong đó, ngành Tài chính (17,3%) đứng thứ 3 trong Top 7 ngành đạt chỉ số CAGR cao nhất và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung, chỉ xếp vị trí sau ngành Thép (34,5%) và ngành Bán lẻ (17,5%); Tiếp đến là ngành Nông nghiệp (16,0%); ngành Thực phẩm - Đồ uống (11,9%); ngành Hóa chất (11,7%) và ngành Bất động sản - Xây dựng (10,8%). Các nhóm ngành này được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều