Nếu "dễ dãi" thì sản phẩm OCOP không đạt hiệu quả xuất khẩu
Hơn 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên Thương mại điện tử “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Tôn vinh hơn 500 nông sản Việt OCOP |
Tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa". |
Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP trong 7.000 ngành hàng, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao.
Tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh. Theo chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa" được tổ chức ngày 12/7, mặt được của phong trào OCOP là thay đổi được giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, mặt chưa được là quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ; không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe; thị trường cũng yêu cầu cần phải được đảm bảo về số lượng, chất lượng; năng lực sản xuất, phân phối thương mại của các cơ sở sản xuất OCOP còn yếu, mẫu mã bao bì chưa tạo sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm cũng chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì chưa minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.
Theo PGS.TS. Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, cần phải khắc phục những hạn chế này khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ. Ngoài ra, với thời kỳ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thì càng cần những giải pháp để nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Nếu "dễ dãi" trong việc công nhận sản phẩm OCOP, chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì đẹp mà không quan tâm đến chất lượng, minh bạch, các vấn đề môi trường - xã hội... thì sẽ không đạt hiệu quả, khó chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu đến những thị trường khó tính.
Ngoài ra, các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, việc phát triển sản phẩm OCOP cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ ngành ngân hàng vì không chỉ có vấn đề lãi suất mà còn liên quan đến thế chấp, tín chấp.
Chẳng hạn tại Agribank, đến nay, ngân hàng này đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP; đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai từ 26/1/2024 thì đến nay đạt doanh số cho vay 101 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết, việc cấp vốn hay lãi suất, hoặc chương trình cho nông nghiệp không phải là vấn đề nhưng lại chưa có gói tín dụng đặc thù cho các khách hàng triển khai các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ…
Từ những vấn đề trên, ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, các ngân hàng cần có sự ưu tiên hỗ trợ giải quyết nhanh hơn về mặt thủ tục, vì các sản phẩm nông nghiệp phải đặt vấn đề thời vụ và yêu cầu về nguồn vốn.
Ý kiến bạn đọc