MSB phủ nhận tin đồn sáp nhập PG Bank
Ban quản trị MSB tại ĐHĐCĐ. |
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.
Lợi nhuận quý 1/2021 tăng gấp 4 lần cùng kỳ
Theo báo cáo tại ĐHĐCĐ, năm 2020 được đánh giá là năm thành công của MSB khi các chỉ số tài chính đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Kết thúc năm tài chính 2020, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) của mảng ngân hàng đạt 29%, đưa MSB nằm trong top 5 ngân hàng có tỷ trọng CASA cao nhất hệ thống.
Vì thế, năm 2021, ĐHĐCĐ MSB đã thông qua kế hoạch tổng tài sản đạt 190.000 tỷ, tăng 8% so với năm 2020; tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được NHNN cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng 30%, dự kiến 3.280 tỷ; tỷ lệ chi lợi tức cổ phần cho năm 2021 không thấp hơn 15%.
Với kế hoạch tăng trưởng nay, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết rất tin tưởng vào khả năng đạt được.
Bởi dự kiến đến cuối quý 1/2021, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng trên 9%. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của MSB đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi cùng kì năm trước chỉ lãi gần 290 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, quý 1 thường là quý đạt lợi nhuận thấp nhất của ngành Ngân hàng, nhưng kết quả kinh doanh khả quan của MSB giúp ban lãnh đạo tin tưởng vào khả năng đạt được lợi nhuận, nếu không có gì đột biến trong các chính sách điều hành của cơ quan quản lý.
Phương án kinh doanh năm 2021 của MSB. |
Đặc biệt, Tổng giám đốc MSB cũng nhấn mạnh đến lợi ích từ thỏa thuận độc quyền của ngân hàng này với công ty bảo hiểm Prudential. Khoản phí trả trước mà Prudential không được tiết lộ, nhưng theo ông Linh, khoản phí này sẽ giúp ngân hàng xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng trong giai đoạn trước, tạo thêm nguồn vốn để ngân hàng thay đổi hệ thống ngân hàng lõi (core banking), ngân hàng điện tử (digital banking)…
Về tăng trưởng tín dụng, năm 2020, MSB tăng trưởng dư nợ tín dụng gần 25%, nên lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng. Đáng chú ý, dư nợ cho vay bất động sản và cơ sở hạ tầng trong tổng danh mục cho vay của MSB giảm mạnh tỷ trọng từ 23,65% năm 2019 xuống còn 11,36% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay, năm 2021, MSB sẽ tập trung vào mảng năng lượng sạch và, các ngành nghề kinh doanh ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hạn chế tăng trưởng tín dụng bất động sản theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối tháng 3/2021, tỷ trọng cho vay bất động sản của MSB gần như ko thay đổi so với cuối năm 2020.
Đang đàm phán thương vụ thoái vốn FCCOM
Tại ĐHĐCĐ sáng nay, MSB trình cổ đông phượng án tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho các cổ đông.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ tối đa là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện là sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động và không quá 6 tháng kể từ ngày ĐHĐCĐ năm 2021 kết thúc. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay đang hoàn tất tiến hành các thủ tục cần thiết.
Cũng tại ĐHĐCĐ, cổ đông đặt câu hỏi liên quan đến thông tin sáp nhập PG Bank vào MSB, khi một số cổ đông lớn của MSB gom cổ phiếu của PG Bank, đồng thời hai nhân viên cao cấp của MSB sang nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của PG Bank.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, chắc chắn không có chuyện sáp nhập PG Bank vào MSB, việc các lãnh đạo MSB sang PG Bank là do kết thúc hợp đồng lao động với MSB.
Ngoài ra, thông tin thêm về việc thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), Tổng giám đốc MSB cho biết, năm 2020 đã ký kết bán 50% cổ phần cho Hyundai Card. Nhưng đến cuối năm 2020, đối tác này đã thay đổi chiến lược kinh doanh nên đã rút khỏi thương vụ và đã đền bù một khoản tiền cho MSB. Hiện MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác, cũng đã gần như kết thúc quá trình đàm phán, định giá nên hy vọng việc thoái vốn khỏi FCCOM sẽ mang lại một khoản lợi nhuận tương đối lớn cho MSB.
Ý kiến bạn đọc