Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP
Doanh nghiệp công nghệ góp ý về hải quan số Doanh nghiệp ưu tiên đóng góp quan trọng vào phát triển thương mại Việt Nam Doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách hơn 535 tỷ đồng tại Hải quan Móng Cái |
![]() |
Quang cảnh Hội nghị, Ảnh: VGP |
Ngày 10/2/2025, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh
Báo cáo tổng hợp tình hình các doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh.
Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.
Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua đó đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Trong năm 2024, theo Bộ KHĐT, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá.
Điển hình như việc sửa đổi 4 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, PPP và Đấu thầu và 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Cũng như bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Toàn bộ 111 quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành đã được xây dựng, phê duyệt.
![]() |
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Theo Bộ KHĐT, đây là cơ sở rất quan trọng giúp doanh nghiệp xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, khu vực đầu tư tiềm năng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp.
Nhận định thêm về kết quả trên, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, những chính sách này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thể chế là "đột phá của đột phá"
Năm 2025, nước ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. |
Nhưng bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, đáng khích lệ thì cũng cần nhìn nhận rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Mục tiêu, yêu cầu phát triển đặt ra trong thời gian tới cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp.
Vì thế, báo cáo của Bộ KHĐT cho rằng cần tập trung nhiều giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ngay trong năm 2025, phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP |
Cũng về vấn đề này, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình chính trị, kinh tế thế giới, cơ hội hiếm có và những yêu cầu trong nước để có sự điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
Cùng với đó phải tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ , tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong việc đầu tư kinh doanh của mình.
Đồng thời chủ động khai thác các động lực tăng trưởng mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển các lĩnh vực mới nổi như chip và công nghệ AI để tăng tốc, bứt phá, phát triển một cách bền vững.
Ý kiến bạn đọc