Lo ngại xu hướng tăng giá nguyên liệu sản xuất

(HQ Online) - Giá nhiều loại hàng hóa như dầu mỏ, đường, cao su, nông sản, nguyên liệu sắt thép… tăng mạnh khiến không ít doanh nghiệp lo ngại vì không dự báo được tình hình sản xuất, kinh doanh.
Phải có giải pháp thích ứng với chu kỳ tăng giá của nguyên liệu thô
XK sản phẩm từ nguyên liệu NK theo hình thức xuất tại chỗ không được hoàn thuế
Doanh nghiệp chủ động nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu cuối năm
Hướng dẫn mới về thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Lo ngại xu hướng tăng giá nguyên liệu sản xuất
Giá nguyên liệu tăng khiến doanh nghiệp dệt may gặp khó. Ảnh: ST

Lo ảnh hưởng đơn hàng dài hạn

Theo chia sẻ từ đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, giá sợi tăng khiến doanh nghiệp rất căng thăng. Nhiều doanh nghiệp dệt gần như không thể sản xuất do giá vải chưa tăng hoặc tăng không đáng kể nhưng giá sợi đã tăng tới 25%. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do sản lượng vụ mùa bông của thế giới vừa qua đạt thấp, tồn kho cũng hạn chế.

Cùng nỗi lo ngại trên, đại diện Công ty Sài Gòn Food cho hay, đến thời điểm hiện tại, tất cả nguyên liệu sản xuất từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Trong đó, giá các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng từ 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, găng tay cao su tăng tới 300%... Xu hướng tăng giá nguyên liệu này sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng từ 5-15% tùy từng mặt hàng trong quý 1 và quý 2, nếu tiếp diễn sẽ tăng lên tới 25% từ quý 3, 4.

Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ không dám nhận đơn hàng dài hạn cho cả năm do lo ngại biến động chi phí đầu vào. Nhiều loại gỗ và nguyên vật liệu phục vụ chế biến gỗ, từ hàng trong nước tới hàng nhập khẩu đã tăng giá, với mức tăng từ 10-30%. Một trong những yếu tố làm tăng giá là thiếu container rỗng.

Không chỉ các mặt hàng nêu trên, nhiều nguyên liệu như sắt thép, cao su, dầu mỏ… cũng đang bước vào chu kỳ tăng giá. Với ngành nhựa, giá dầu thế giới tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp nhựa chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa được sản xuất từ những chế phẩm của dầu mỏ.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ nhiều loại mặt hàng xăng dầu hiện ở mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải đang đầy “lo âu” khi chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30-40% chi phí hoạt động, trong khi dịch bệnh đã khiến lượng khách giảm sút hơn so với trước, các doanh nghiệp phải dùng "chiêu" giá rẻ để thu hút khách hàng.

Chủ động tính toán, tiết giảm chi phí

Vấn đề nguyên phụ liệu luôn là nỗi “đau đầu” của các doanh nghiệp. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn cung sợi trong nước còn rất hạn chế, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn nữa, cái khó của ngành dệt may là nhiều địa phương không mặn mà với các dự án dệt, nhuộm bởi lo ngại ô nhiễm môi trường.

Vì thế, các doanh nghiệp đều đang phải tự tìm cách riêng để ứng phó với tình hình nguyên liệu gia tăng. Tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Kim Thắng, đại diện Công ty này cho biết đã phải chấp nhận giảm lợi nhuận để có đơn hàng, nhưng bên cạnh đó lại phải luôn cải tiến, thiết kế ra các sản phẩm mới, tiết giảm chi phí vận hành cũng như linh hoạt lựa chọn đơn hàng cho phù hợp với chiến lược sản xuất của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thô đứng trước chu kỳ tăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trên thế giới, nguyên liệu thô có chu kỳ trong một thời điểm nào đó sẽ tăng giá và trong thời điểm nào đó lại xuống giá. Đó là việc hết sức bình thường đối với tất cả các loại mặt hàng chứ không riêng với nguyên liệu thô. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin và cũng có cảnh báo đối với các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để họ có thể biết và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Do đó, giá thành nguyên liệu tăng thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng, nên phải tính toán liệu sản phẩm của mình có bán được và cạnh tranh và mang lại hiệu quả cho chính các doanh nghiệp không. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc nhập khẩu nguyên liệu để có thể mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VnDirect, đà tăng giá dầu có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, cung cấp những cơ hội việc làm tiềm năng cho các doanh nghiệp thượng nguồn như Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) hay Công ty Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ (PTSC)... Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy sản xuất nhựa, phân bón) có thể bị thu hẹp do áp lực tăng của giá dầu.

Với các doanh nghiệp ngành mía đường, các doanh nghiệp như Thành Thành Công - Biên Hòa, Mía đường Sơn La… đã cải thiện lợi nhuận khi giá đường thế giới phục hồi, kéo giá trong nước tăng theo. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu cũng sẽ hưởng lợi từ việc tăng giá. Do vậy, vấn đề là các doanh nghiệp phải tìm được biện pháp để thích ứng, đưa ra chiến lược hợp lý để chớp lấy mọi cơ hội trong diễn biến thị trường hàng hóa, thương mại.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều