Lo ngại "sửa đi, sửa lại" quy định về thời gian cơ cấu nợ

(HQ Online) - Các dự báo đều cho thấy dịch bệnh cũng như khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp không thể qua nhanh. Nên việc kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ, nhất là về cơ cấu nợ đang giúp nhiều doanh nghiệp bớt gánh nặng.
Chính thức nới thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí thêm 6 tháng
Giảm lãi suất cần đi liền với cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Thêm thời gian giãn nợ, cơ cấu nợ có giúp ngân hàng vơi nỗi lo nợ xấu?
NHNN cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ. Ảnh: Internet
NHNN cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng, đến 30/6/2022. Ảnh: Internet

Giúp giảm bớt gánh nặng trả lãi

Từ 7/9, Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực. Đặc biệt, Thông tư 14 ban hành chỉ sau 5 tháng kể từ khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa lần thứ nhất Thông tư 01 về cơ cấu nợ có hiệu lực.

So với quy định cũ, Thông tư 14 có 2 điểm mới đáng lưu ý. Đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định của Thông tư 03. Ngoài ra, thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng (kéo dài đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021).

Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, việc sửa đổi lần 2 này diễn ra nhanh chóng, kịp thời gỡ khó cho các khách vay là cá nhân, doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng MB cho rằng, việc giãn thời gian cơ cấu nợ theo thông tư mới của NHNN là rất cần thiết, giúp cho nhiều chủ thể phục hồi sản xuất, quay vòng vốn, để từ đó phù hợp với thời hạn của các khoản vay cũ và mới mà khách hàng cần thanh toán khi đến hạn.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận xét, Thông tư 14 sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trả lãi, giúp ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu nợ, giúp chất lượng tài sản và lợi nhuận ngành ngân hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19.

Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, các ngân được phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho doanh nghiệp đồng nghĩa với việc ngân hàng chưa gặp áp lực lớn về trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ được cơ cấu lại. Điều này sẽ giúp lợi nhuận ngân hàng đỡ bị ảnh hưởng hơn trong những tháng còn lại của năm. Tuy nhiên, khi Thông tư 14 hết hiệu lực thì các ngân hàng buộc phải hạch toán các khoản nợ được cơ cấu và nhiều khoản có thể sẽ trở thành nợ xấu, lúc đó áp lực đè nặng lên vai các ngân hàng.

Lo nợ xấu bị dồn nén, tiềm ẩn rủi ro

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ sự chưa “hài lòng” về mức độ nới thời gian và phạm vi cơ cấu nợ. Đại diện một ngân hàng cho biết, Thông tư 14 mới gỡ được một phần rất nhỏ khó khăn của ngân hàng, doanh nghiệp. Hơn nữa, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng được nhiều ý kiến nhận định cũng chưa hợp lý bởi chưa biết dịch kéo dài và kết thúc thời điểm nào, nên chưa có căn cứ để khẳng định doanh nghiệp được cơ cấu sau 12 tháng sẽ có khả năng trả nợ.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, thực hiện Thông tư 14 phải mất 2-3 tháng bởi còn khó khăn do giãn cách xã hội, doanh nghiệp mất thêm vài tháng đến cả năm để hồi phục sản xuất, nên giãn thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng là chưa đủ. Vì thế, vị này lo ngại Thông tư 01 sẽ còn sửa đổi nếu dịch bệnh vẫn phức tạp.

Do đó, theo các chuyên gia và ngân hàng, thay vì sửa đi, sửa lại Thông tư 01, NHNN nên ban hành một thông tư mới thay thế hoàn toàn thông tư trên theo hướng căn cơ hơn, trao quyền chủ động hơn cho các ngân hàng thương mại. Bởi nếu cứ lùi thời hạn tái cơ cấu nợ có thể khiến nợ xấu bị dồn nén, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về phía doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất là triển khai thông tư thật nhanh, bởi các doanh nghiệp đang lao đao với phương án trả nợ, đứng trước nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn tiếp cận tốt hơn với các chính sách miễn, giảm lãi, phí của ngân hàng, để có thêm nguồn tài chính trả nợ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều