“Làm mới” động lực cải cách, khơi thông nguồn lực tăng trưởng

(HQ Online) - Bình quân mỗi tháng trong quý 1/2024 có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vì thế, khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng đã trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Năm 2024, Chính phủ sẽ khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới Doanh nghiệp FDI gia tăng niềm tin và động lực từ cải thiện môi trường kinh doanh Nhiều động lực tăng trưởng, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp
gợi mở các giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã gợi mở các giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề "Khơi thông động lực tăng trưởng mới" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào ngày 12/4, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nêu rõ, quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu chuyển biến tốt, trong quý 1 nền kinh tế ghi nhận gần 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng so với cùng kỳ. Nhưng vẫn có 73,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, trong quý 1/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Vì thế, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo các doanh nghiệp, những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, mà còn được xem là “chìa khoá” cho các động lực tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi và tận dụng các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc doanh nghiệp đi theo mô hình tăng trưởng mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động cùng với đó là khó khăn về nguồn lực.

Theo các chuyên gia, chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

“Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện”, ông Hoàng Quang Phòng nêu thực tế.

Do đó, về những giải pháp, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đề nghị tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đẩy nhanh các gói đầu tư công, ưu đãi dành các dự án phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp làng nghề…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế cho rằng, Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Song thách thức từ thị trường quốc tế còn rất lớn nên cần chiến lược, chủ động và đổi mới mạnh mẽ.

Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp để thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Điều này cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động nhằm góp phần khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều