Làm gì để doanh nghiệp xuất nhập khẩu bứt phá doanh thu?
720 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Móng Cái, Quảng Ninh | |
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tăng hơn 75 tỷ USD | |
Xuất khẩu gỗ, nội thất sẵn sàng phục hồi, bứt tốc sau đại dịch |
Doanh nghiệp có thể tận dụng thương mại điện tử để tìm kiếm đối tác. Ảnh: Internet |
Theo thống kê, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021 đạt gần 540 tỷ USD. Đáng chú ý, sau 6 tháng liên tục nhập siêu, cán cân thương mại đã trở lại "vị thế" xuất siêu với 125 triệu USD.
Đây được xem là bước đà để đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu “thiết lập kỷ lục mới khi vượt mốc 600 tỷ USD”, theo nhận định của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn phải đối mặt một số vấn đề về sự khắt khe trong tiêu chuẩn và quy định hàng hóa của nước nhập khẩu…, cùng với đó là hệ quả của dịch Covid-19 như thiếu vốn, thiếu lao động, khó khăn trong vận chuyển. Đặc biệt, dịch bệnh khiến vòng quay vốn của doanh nghiệp dài ra, vòng quay khoản công nợ phải thu kéo dài trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng lên, khiến tổng nguồn vốn bị đội lên.
Ông Trần Văn Lê, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh cho hay, trong hoạt động của doanh nghiệp, dòng tiền “ra” nhiều hơn “vào” đã là một sự bất cập. Do đó, doanh nghiệp phải làm sao để cân đối được dòng tiền, cắt giảm những chi phí không cần thiết.
Cùng với đó, để tận dụng mọi cơ hội, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là "cú huých" cho xuất nhập khẩu nên Việt Nam đang chuyển sang trạng thái trở thành một "cường quốc" về xuất khẩu, thành trung tâm sản xuất không chỉ của khu vực mà trên thế giới. Do đó, vị thế của Việt Nam không chỉ là người tham gia vào "luật chơi" mà còn có thể ban hành "luật chơi", nên các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để vươn xa hơn.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp, nhờ lợi ích từ các FTA và thúc đẩy giao thương quốc tế, các dịch vụ hỗ trợ cũng phát triển theo, không chỉ tạo thuận lợi mà còn giúp kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, hiện nhiều ngân hàng đã có các chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với mức lãi suất thấp hơn so với mặt bằng chung. Ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Kênh phân phối và bán hàng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho hay, ngân hàng đang hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay tín chấp dựa trên đơn hàng hoặc giá trị hợp đồng, chứng từ. Bên cạnh đó, ngân hàng còn cung cấp các dịch vụ tư vấn về thủ tục, hỗ trợ khách hàng xử lý chứng từ, dự báo biến động tỷ giá…
Ngoài ra, việc tận dụng thương mại điện tử, các kênh xúc tiến thương mại trực tuyến cũng là giải pháp lý tưởng để các doanh nghiệp có thể tận dụng. Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển thị trường và quan hệ Chính phủ của Alibaba Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên tận dụng thương mại điện tử để xuất nhập khẩu, do các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá thành, chất lượng… nên sẽ thu hút đối tác mua hàng trên sàn thương mại điện tử.
Mặc dù vậy, ông Tùng cho rằng, để tận dụng hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam phải trang bị kiến thức đầy đủ, cụ thể về thương mại điện tử như kỹ năng quản lý một gian hàng trực tuyến, kỹ năng ngoại thương… giúp việc kinh doanh được sát với thực tế. Do đó, Alibaba đã có các chương trình đào tạo về thương mại điện tử cho doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc