Hướng dẫn mới về sử dụng ngân sách chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(HQ Online) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Thông tư 52).
Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững Tạo "không gian" cho doanh nghiệp đổi mới bắt kịp xu thế mới Đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu từ công nghệ tài chính
Doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ và phải chủ động để vượt qua khó khăn. Ảnh: H.Dịu
Doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Ảnh: H.Dịu

Theo đó, Thông tư 52 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghệ, tư vấn, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nâng cấp, duy trì quản lý, vận hành Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quản lý các hoạt động hỗ trợ…

Thông tư 52 quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là nguồn NSNN chi thường xuyên, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách. Bên cạnh đó còn có nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài NSNN.

Thông tư 52 cũng quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí bằng cách thực hiện thông qua dự toán NSNN giao cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán NSNN hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật về NSNN, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ…

Việc hỗ trợ phải căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ của NSNN hằng năm.

Đối với nguồn đóng góp, tài trợ, Thông tư 52 quy định việc huy động, quản lý, thanh quyết toán kinh phí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp có thỏa thuận với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc sử dụng khoản đóng góp, tài trợ chi trả cho phần NSNN hỗ trợ thì thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Đối với nội dung chi có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức tại các văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì xác định chi phí theo đúng chế độ quy định.

Đối với nội dung chi chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức thì xác định chi phí căn cứ trường hợp cụ thể, tính chất, phạm vi và các yếu tố liên quan, có tham khảo chi phí tương tự đã thực hiện trong thời hạn 12 tháng (nếu có) tính đến thời điểm xác định chi phí.

Thông tư 52 yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí phải đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan; thu, chi, hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.

Ngoài ra, Thông tư 52 cũng quy định cụ thể về các nội dung hỗ trợ; bố trí, lập, chấp hành và quyết toán kinh phí NSNN hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2023 và sẽ thay thế Thông tư 49/2019/TT-BTC và Thông tư 54/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí NSNN hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số lĩnh vực được ban hành từ năm 2019. Tuy nhiên, kinh phí NSNN hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt theo quy định tại Thông tư 49 và 54 trước ngày Thông tư 52 có hiệu lực thi hành mà chưa sử dụng thì được tiếp tục thực hiện theo dự toán đã phê duyệt hoặc điều chỉnh lại theo nội dung và định mức chi quy định tại Thông tư 52 nhưng phải đảm bảo không vượt quá dự toán ngân sách đã giao.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

(HQ Online) - Để đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo đã bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn vấn đề này.
Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

(HQ Online) - Ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đọc nhiều