Đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu từ công nghệ tài chính
Hiến kế giúp nông sản nâng cao giá trị, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu Vượt rào cản kỹ thuật để giữ vững thị trường xuất khẩu Lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm |
Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh và tiến tới mức 200% GDP. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện sự tham gia và phụ thuộc vào thị trường thế giới của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao, đi kèm với đó là rủi ro từ biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và 3/4 giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI trong nước.
Tại Hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 20/7, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với những khó khăn hiện nay của thị trường xuất khẩu, thời gian tới cần tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia CPTPP và EVFTA.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về tài chính, tín dụng để đa dạng hóa nguồn vốn. Ảnh: H.D |
Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng, các biện pháp và giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng.
Các ngân hàng và các tổ chức tài chính đã có nhiều chương trình ưu đãi, chương trình tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với các dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng (như thư tín dụng, bảo lãnh, nhờ thu…) cùng những dịch vụ hỗ trợ tránh các rủi ro về tỷ giá để từng bước cải thiện giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, phát triển khách hàng, thị trường trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.
Hơn nữa, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết, với sự phát triển ứng dụng công nghệ số trong thanh toán và cung cấp các giải pháp tài chính số thông minh phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp, các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng được đổi mới nhằm tối ưu chi phí, đảm bảo các hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đã phối hợp với công ty công nghệ tài chính (Fintech) để triển khai các chương trình hỗ trợ về tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, việc tiếp cận vốn có thể đa dạng hơn, doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng với điều kiện ở mức thấp hơn so với đi vay tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cần hoàn thiện hành lang pháp lý như cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cả thanh toán, cho vay chiết khấu dựa trên các khoản phải thu của doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế thử nghiệm Fintech, cho vay ngang hàng (P2P)… đồng thời phải nâng cao hiệu quả Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh giáo dục tài chính toàn diện cho doanh nghiệp và người dân.
Trong những tháng đầu năm 2023, dù lãi suất giảm nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng ở mức thấp do doanh nghiệp khó khăn nên không có nhu cầu cao về đầu tư, sản xuất. Vì thế, để giải quyết bài toán tín dụng thì đồng thời cũng phải giải quyết bài toán về đầu ra cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Do vậy, theo các chuyên gia, cùng với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ, tìm kiếm giải pháp tăng năng lực cạnh tranh, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn vốn…
Ý kiến bạn đọc