Giải pháp để phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

(HQ Online) - Xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn, được phân phối bởi các cơ sở kinh doanh có uy tín đang ngày càng tăng nên đã giúp thuận lợi cho sự phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Cơ hội mở ra rất lớn cho doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững
Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạng phân phối nước ngoài
Khởi động tuần lễ “Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối”

Các chuyên gia đánh giá, xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn được phân phối bởi các cơ sở kinh doanh có uy tín đang ngày càng tăng nên đã giúp thuận lợi cho sự phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Trao đổi tại Tọa đàm: Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn do Tạp chí Công Thương tổ chức vào ngày 7/12, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã hướng dẫn các địa phương triển khai các mô hình về phân phối thực phẩm an toàn cũng như phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống sao cho bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tọa đàm: Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Tọa đàm: Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Đáng lưu ý, năm nay với Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với "Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã bước sang giai đoạn “Tinh hoa Việt Nam”, hầu hết sản phẩm đều là hàng Việt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc đạt thương hiệu cao mang tầm quốc gia, khu vực để đưa vào hệ thống phân phối trong nước, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Masan MaetLife cũng xác nhận tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống phân phối bởi hiện nay, 97% lượng thịt tươi sống vẫn lưu thông ở ngoài chợ, ngoài việc đầu tư phát triển từ phía doanh nghiệp thì cần nâng cao nhận thức của người dân.

Vị này cho biết thêm, Masan MaetLife đã có kế hoạch phát triển chuỗi phân phối tại các chợ truyền thống, nhưng cần sự kết hợp với ban quản lý chợ để nâng cao nhận thức của người bán hàng và người tiêu dùng, nhất là việc phải có trang bị hệ thống tủ đông nhằm đưa sản phẩm đúng thực chất thịt mát tới tay người tiêu dùng. Đây là trở ngại do phải đầu tư lớn, nhưng nếu người tiêu dùng thay đổi thói quen và chấp nhận thì chắc chắn những tiểu thương bán thịt ở ngoài chợ sẵn sàng đầu tư cùng với doanh nghiệp để phát triển hệ thống.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) cho hay, ngoài việc xây dựng các khâu sản xuất, chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp cũng phải chú trọng về làm truyền thông phát triển thương hiệu.

Những vấn đề trên cho thấy, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn không ít khó khăn để tham gia vào chuỗi phân phối. Theo bà Lê Việt Nga, quá trình triển khai xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm còn gặp khó khăn do thiếu vốn để đầu tư theo quy trình quản lý tốt nhất, văn minh nhất. Thêm nữa, các mối liên kết trong việc xây dựng chuỗi giá trị về nông sản thực phẩm an toàn còn đang rất lỏng lẻo, cần những dịch vụ hỗ trợ bên lề như hỗ trợ về tài chính, logistics, chứng nhận chất lượng, việc kiểm tra kiểm soát thị trường…

Đồng thời, lượng hàng bảo đảm an toàn thực phẩm muốn vào siêu thị nhiều hơn so với khả năng của các siêu thị nên đại diện Bộ Công Thương cho rằng, điều này vừa mừng vừa lo. Mừng khi thấy hàng sản xuất của doanh nghiệp đã đảm bảo, có quy trình công nghệ tốt, có hệ thống kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận chất lượng tốt, thậm chí đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế, hiện 70% hàng hóa được bán tại chợ, siêu thị chỉ chiếm 25%, còn lại qua thương mại điện tử.

Để xây dựng mạng lưới và chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, theo bà Lê Việt Nga phải có sự vào cuộc đều tay từ các bộ, ngành và cơ quan chức năng. Do đó, trong tháng 12 này, Bộ Công Thương sẽ phải trình Chính phủ nghị định về quản lý và phát triển chợ. Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng thương mại ở các chợ truyền thống sạch sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn vốn cho vay để đầu tư máy móc, thiết bị giúp bảo quản thực phẩm an toàn như mong muốn của các doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều