Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi "đuối" trên sân nhà

(HQ Online) - Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020, theo đó, các vị trí đứng đầu đều thuộc về các công ty nước ngoài.
Hà Nội: Doanh nghiệp sản thức ăn chăn nuôi khan hiếm nguyên liệu nhập khẩu
Bộ NN&PTNT có cấm xây thêm nhà máy thức ăn chăn nuôi?
Thêm một đối thủ sản xuất thức ăn chăn nuôi đáng gờm đến từ Singapore
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi

Danh sách Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020. Nguồn Vietnam Report

3 vị trí dẫn đầu top 10 lần lượt thuộc về: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH DES HEUS và Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc PROCONCO. Tiếp đến là các cái tên: Công ty TNHH JAPFA COMFEED Việt Nam, Công ty CP GREENFEED Việt Nam. Tất cả đều là doanh nghiệp ngoại. Như vậy trong top 10 thì có tới 6 cái tên thuộc về doanh nghiệp ngoại.

Thứ tự xếp hạng này cho thấy các doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế trên thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ. Số thị phần này vẫn đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp ngoại do tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu sự liên kết.

Chỉ tính riêng năm 2019, khi Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đã có 5,7 triệu con lợn bị tiêu hủy, bằng khoảng 10% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn khiến các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động do nhu cầu thức ăn sụt giảm.

Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn không nhỏ nhưng họ vẫn chống cự được vì có nguồn vốn lớn, lại xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đầu của quy trình sản xuất đến tận bàn ăn người tiêu dùng.

Một hạn chế nữa đang khiến doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nội kém tính cạnh tranh là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây là nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi trong nước luôn cao và khó cạnh tranh so với hàng nhập vì thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi, nên khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng, giá thức ăn chăn nuôi lập tức tăng theo.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đang gặp phải 5 khó khăn chính. Đó là, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành (85,7%); giá hàng hóa nguyên vật liệu, đầu vào tăng (71,4%); nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm (57,1%); nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn (57,1%); thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh (42,9%).

Để tạo động lực cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi vươn lên nắm giữ thị phần, các chuyên gia đã đưa ra 5 khuyến nghị, đó là kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào; nâng cấp đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế; liên kết với hộ chăn nuôi; phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer); đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm- Food- Feed- Fertilizer); đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt với sản phẩm mới đưa ra thị trường bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thữ ăn chăn nuôi mở rộng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ đẩy nhanh công tác tái đàn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu

Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu

(HQ Online) - Ngày 18/01/2024, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet chính thức tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam & Top 10 Công ty uy tín ngành Dược - Logistics - Du lịch & Khách sạn, Resort - Thức ăn chăn nuôi năm 2023 tại TPHCM.

Đọc tiếp

Đọc nhiều