Doanh nghiệp nỗ lực giải “bài toán” chống chọi với rủi ro từ Covid-19

(HQ Online) - Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, làm sao để chống chọi với rủi ro đồng thời vẫn ổn định phát triển sản xuất là bài toán của mọi doanh nghiệp.
Chung tay hóa giải khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Hải quan nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn
Tọa đàm: Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19.
Tọa đàm: Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) đã phối hợp tổ chức tọa đàm: Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19.

Năm 2021 rất khác so với 2020

Chia sẻ về tình hình của doanh nghiệp tại tọa đàm, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, câu chuyện của doanh nghiệp trong năm 2021 rất khác năm 2020. Năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, May 10 bị chặt đứt nguồn cung và cầu, bởi 90% sản phẩm của May 10 xuất khẩu tới thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Thậm chí đến quý 2/2020, May 10 phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động.

Tuy nhiên, năm 2021 thì ngược lại, ông Việt cho hay, doanh nghiệp đang có quá nhiều đơn hàng và làm không hết.

Lý giải về sự khác biệt này, lãnh đạo May 10 chia sẻ, một phần đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được đưa ra rất nhanh chóng trong năm 2020-2021. Theo đó, May 10 đã được hưởng lợi từ các chính sách như hoãn và giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, giảm lãi suất... Bên cạnh đó, May 10 đã làm tốt công tác chống dịch, sáng tạo chuyển đổi làm mặt hàng bảo hộ y tế, khẩu trang…

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, năm 2020, không những chịu ảnh hưởng vì Covid-19 như nhiều doanh nghiệp khác mà Sunhouse còn gặp phải sự cố cháy kho hàng chiếm tới 20% tổng tài sản công ty.

“Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp rủi ro, không chỉ là dịch bệnh, mà còn nhiều yếu tố xã hội tác động. Làm sao để chống chọi với rủi ro đồng thời vẫn ổn định phát triển sản xuất là bài toán của mọi doanh nghiệp”, “shark Phú” chia sẻ.

Vì thế, chiến lược của Sunhouse để vượt qua khó khăn là phải đa kênh, đa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cân đối giữa phần vay với phần dự phòng, làm tốt công tác dự báo… Nhờ đó, dù chịu 2 “cú sốc” nhưng năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của Sunhouse vẫn tăng trưởng 15% và doanh số xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Phú còn khẳng định, nếu nhận định đúng, xuất khẩu của Sunhouse có thể tăng vượt khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Không để nguồn lực hỗ trợ bị lãng phí

Từ những chia sẻ của 2 doanh nghiệp nêu trên, các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch Covid-19.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hoá nguồn vắc-xin. Các doanh nghiệp dệt may đã đề xuất cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vắc-xin trước. Hiện chi phí tiêm vắc-xin chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm, do đó, việc tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, doanh nghiệp Việt Nam đang có ưu thế hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành nghề tại nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn. Vì thế, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần tiếp cận nhanh nhất và chính xác nhất đến các doanh nghiệp.

Nói về giải pháp hỗ trợ, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, chúng ta phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản, sau đó là phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách.

Ông Hiếu lấy ví dụ, có những doanh nghiệp ngay cả khi nhận được hỗ trợ vẫn không thể tồn tại được, khiến nguồn lực của Chính phủ bị lãng phí. Vì thế, việc hỗ trợ phải ưu tiên những doanh nghiệp có khả năng phục hồi, nên phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch...

Đồng quan điểm, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Cần làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, Chính phủ cần chia 2 nhóm quỹ hỗ trợ, thứ nhất là bản thân các doanh nghiệp trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay theo đóng góp của họ vào ngân sách, thứ hai là hỗ trợ các đối tượng khó khăn.

Ngoài ra, vị này cũng cho hay, Chính phủ cũng nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Ví dụ, nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách có thể hỗ trợ về mở cửa thị trường, hỗ trợ đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất… Nhóm này nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả có thể tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel mở rộng kinh doanh sản phẩm quốc phòng – công nghệ cao tại Malaysia

Viettel mở rộng kinh doanh sản phẩm quốc phòng – công nghệ cao tại Malaysia

(HQ Online) - Tại Lễ Khai mạc Triển lãm Quốc phòng, An ninh Châu Á (DSA & NATSEC) diễn ra ngày 06/05/2024 tại Kuala Lumpur (Malaysia), đại diện của Viettel Group là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với các công ty hàng đầu tại Malaysia.

Đọc nhiều