Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ "đặt đề bài", bảo lãnh vay vốn

(HQ Online) - Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau bão Doanh nghiệp "bắt tay" cùng phát triển công nghệ cao Am hiểu doanh nghiệp và thị trường để mở rộng cơ hội hợp tác với Hoa Kỳ
Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp đóng góp 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng này, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác quốc tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Việt Nam hiện có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động cùng khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. 9 tháng đầu năm đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Khảo sát doanh nghiệp của VCCI trên quy mô toàn quốc tính tới tháng 9/2024 cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm VCCI khảo sát doanh nghiệp.

Dù vậy, khảo sát của VCCI cũng cho thấy một số dấu hiệu tích cực, đó là một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp vừa và lớn cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng như công nghiệp, nông lâm nghiệp... tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động.

Phát biểu tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam vào ngày 4/10/2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, theo khảo sát nhanh gần đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường.

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược.

Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.

Hơn nữa, theo VCCI, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ
Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: VGP

Giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn

Vì thế, các doanh nghiệp cho rằng cần tạo điều kiện và cơ chế để các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn.

Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Vị này cũng mong muốn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Từ góc độ doanh nghiệp lớn, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Đồng thời kiến nghị giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Liên quan đến góc độ tài chính, thu hút đầu tư, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp để vừa đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư.

Tại buổi gặp mặt, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức tín dụng, NHNN muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ tín dụng nhưng sứ mệnh của NHNN phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, suy cho cùng cũng vì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Thống đốc cho rằng cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp "sếu đầu đàn" và các doanh nghiệp vệ tinh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển doanh nghiệp, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn chồng chéo, bất cập, nhất là những văn bản ở tầm luật, nghị định trong luật doanh nghiệp, đầu tư, đầu tư công… góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để hỗ trợ hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Samsung Việt Nam tổ chức Ngày hội Trách nhiệm xã hội lần thứ 2

Samsung Việt Nam tổ chức Ngày hội Trách nhiệm xã hội lần thứ 2

(HQ Online) - Samsung Việt Nam tổ chức Ngày hội Trách nhiệm xã hội CSR Day lần thứ 2 nhằm giới thiệu tổng thể về các dự án vì cộng đồng điển hình đang được Samsung triển khai tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới các cơ quan đối tác đã tích cực đồng hành cùng Samsung triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội trong thời gian qua.

Đọc nhiều