Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau bão
Cán bộ, nhân viên Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc đang tích cực khôi phục lại cơ sở hạ tầng. |
Tại Lào Cai, bão lũ đã khiến địa phương này chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều doanh nghiệp cũng chịu chung số phận và đang phải “gồng mình” khắc phục thiệt hại.
Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc - một trong những nhà máy thủy điện lớn của tỉnh Lào Cai đã bị sạt lở đất đá từ trên sườn núi xuống nhà điều hành khiến 5 cán bộ nhân viên (bao gồm cả Giám đốc) của nhà máy bị thiệt mạng. Không những thế, nước sông lên cao làm toàn bộ nhà máy thủy điện bị ngập nước, gây tê liệt hoàn toàn, đến nay vẫn chưa vận hành được.
Ông Nguyễn Tất Anh, quyền Giám đốc điều hành của nhà máy chia sẻ, trên tuyến đường đi vào nhà máy có nhiều điểm bị sạt lở. Vì thế, ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng của chúng tôi lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, mưa lũ, sạt lở đất do hoàn lưu của bão số 3 đã khiến 26 nhà máy thủy điện của Lào Cai bị hư hỏng phải dừng phát điện với tổng công suất 292,65 MW. Trong đó, 5 nhà máy thủy điện: Bắc Nà 1, Bắc Nà, Bảo Nhai bậc 2, Cốc Đàm, Nậm Lúc bị hư hỏng nặng, nước tràn vào nhà máy phải dừng phát điện từ 3 tháng đến 6 tháng để khắc phục, sửa chữa. Giá trị thiệt hại của các nhà máy thủy điện ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, Công ty TNHH Văn Tịnh chuyên cung cấp vật liệu xây dựng tại Lào Cai cũng chịu ảnh hưởng lớn sau bão. Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Giám đốc Công ty, kho nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng của Công ty đã bị sụt lún và sập đổ hoàn toàn cùng với hệ thống trang thiết bị bị phá hủy, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Đến nay, 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5-2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng. |
Trước những thiệt hại của doanh nghiệp, tại Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 vào ngày 28/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.
Đội ngũ cán bộ ngân hàng trực tiếp tới thăm hỏi tới tận doanh nghiệp, người dân. |
Riêng tại Lào Cai, ông Đỗ Quang Huy, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến ngày 20/9/2024, tổng hợp báo cáo sơ bộ của các ngân hàng trên địa bàn có 3.744 khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại; dư nợ 5.100 tỷ đồng.
Tại SHB, ông Hoàng Văn Sỹ, Giám đốc SHB Chi nhánh Lào Cai cho hay, đội ngũ cán bộ ngân hàng đã tới trực tiếp thăm hỏi doanh nghiệp, người dân, qua đó nắm bắt tình hình thực tế và nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ cần thiết.
Với Thủy điện Nậm Lúc, phía doanh nghiệp đang có dư nợ tại SHB khoảng 650 tỷ đồng. Theo đó, SHB đã cam kết tiến hành giảm lãi trong 4 tháng cuối năm 2024, dự kiến số tiền giảm lãi là trên 10 tỷ đồng. Để doanh nghiệp có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành, SHB quyết định cho vay với số tiền 50 tỷ đồng, lãi suất 4,5%/năm. SHB cũng thực hiện cơ cấu lại khoản vay cho khách hàng theo quy định của NHNN, đảm bảo đúng chính sách.
Đối với Công ty Văn Tịnh, ngân hàng cũng đã đưa ra gói vay với lãi suất ưu đãi tương tự, giúp công ty nhanh chóng triển khai các hoạt động xây dựng lại kho xưởng và trang thiết bị.
Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, các ngân hàng còn tích cực tham gia công tác xã hội, thiện nguyện, đến tận từng xã, bản để trao quà, hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, tài sản để quay trở lại hoạt động cuộc sống bình thường.
NHNN vừa công bố lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (Yagi). Đồng thời, NHNN cũng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định cho phép TCTD được giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Theo dự thảo Thông tư, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ áp dụng cho các khách hàng (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện) của TCTD (trừ khách hàng là TCTD) trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố phía Bắc gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Dự thảo Thông tư quy định, TCTD được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và đáp ứng một số quy định. Khách hàng phải được TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. Đáng chú ý, quy định trên loại trừ trường hợp khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và đang cần thời gian để ổn định đời sống, xây dựng, tìm kiếm phương án khôi phục sản xuất kinh doanh. Lý giải đề xuất trên, theo NHNN, tại các buổi làm việc, TCTD cho rằng nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng, nên cần thời gian nhất định để tìm kiếm cứu nạn người mất tích, thu dọn, sắp xếp, sửa chữa lại nhà cửa, cơ sở kinh doanh. Nên việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, kế hoạch trả nợ đảm bảo khả năng trả nợ sau cơ cấu theo quy định hiện hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ là rất khó khăn. Nên dự thảo Thông tư quy định như trên nhằm đảm bảo TCTD có thể triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng theo quy định pháp luật. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2026. |
Ý kiến bạn đọc