Doanh nghiệp du lịch mong sớm có hướng dẫn về y tế để thu hút du khách
Mở cửa du lịch quốc tế: Vẫn chờ hướng dẫn | |
Du lịch TPHCM thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp châu Âu | |
Đề nghị các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp du lịch |
Chiều tối ngày 15/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị "Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả". Tại hội nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thông tin, hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Hiện tại, chúng ta đã có chủ trương, chính sách mở cửa du lịch, nhiệm vụ quan trọng là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, an toàn, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất.
Tuy nhiên, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun Group cho biết, hiện tại mọi quy trình kiểm soát y tế đối với khách quốc tế vẫn thực hiện quy trình cũ gây khó khăn, mệt mỏi cho khách. Theo đó, việc kiểm soát y tế đối với du khách quốc tế cần rà soát từng khâu, từng chặng để đảm bảo thông suốt và tạo thuận lợi thực sự.
Việc mở cửa du lịch cần đi kèm với chiến dịch quảng bá, bà Trần Nguyện đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao mời các tổ chức, các Đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam để thông tin về chính sách thị thực mới và chương trình mở cửa du lịch.
Liên quan tới việc mở cửa du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thông tin, bước đầu đã có những thông tin tích cực khi lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 tăng mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đang chờ văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về phương án y tế với các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có khách du lịch. |
Hiện nhiều doanh nghiệp, công ty, hộ kinh doanh phục vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến phá sản, tình hình tài chính khó khăn do dịch bệnh kéo dài, khả năng đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trong ngành cần thời gian để hồi phục lại năng lực phục vụ như trước Covid-19. Khi các chính sách về mở cửa du lịch chưa được ban hành rõ ràng, chi tiết thì doanh nghiệp chưa dám đầu từ để phục hồi thị trường, cạnh tranh với các điểm đến khác.
Bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất, Chính phủ sớm công bố thông tin về việc mở cửa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế. Theo đó, có thể xem xét gỡ bỏ quy định xét nghiệm đối với khách quốc tế trước và sau khi đến Việt Nam; khôi phục chính sách miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm như trước đây. Đồng thời, xem xét các biện pháp nới lỏng chính sách về visa hơn như: Tăng số lượng thị trường được miễn thị thực đơn phương, được làm visa online; tăng thời gian hiệu lực của visa, cho phép gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông tin, hiện nay chưa có các hướng dẫn cụ thể về chính sách xuất nhập cảnh, điều kiện y tế… nên các doanh nghiệp khó có thể gửi thông tin đến các đối tác và sẵn sàng cho công tác thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… và làm giảm lợi thế cạnh tranh để thu hút khách quốc tế.
Bà Hạnh kiến nghị, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sớm có hướng dẫn về quy định y tế đối với khách quốc tế như áp dụng đối với khách nội địa và đơn giản hoá thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Y tế cần thống nhất chủ trương đối với khách quốc tế có kết quả xét nghiệm dương tính khi nhập cảnh, nếu ở thể nhẹ thì điều trị tại khách sạn cho đến khi âm tính như điều trị tại nhà, khách thể nặng điều trị tại bệnh viện. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao sớm có hướng dẫn về cấp thị thực điện tử; hướng dẫn quy định nhập cảnh cụ thể đối với khách tàu biển.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thông điệp lớn nhất của Hội nghị là Việt Nam chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3 như trước khi có dịch Covid-19, nhưng kèm theo một số giải pháp quản lý kiểm soát rủi ro, có biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trong chống dịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm thống nhất, ban hành văn bản hướng dẫn việc mở cửa du lịch trên tinh thần cởi mở, hiệu quả, an toàn phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch. Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, vẫn còn rất nhiều vấn đề và thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại du lịch. Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường sự liên kết phối hợp của liên bộ, liên ngành với các địa phương để triển khai nhiệm vụ này; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong điều kiện khó khăn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch; phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch để khắc phục những hạn chế, khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến dòng lao động dịch chuyển sang các lĩnh vực khác; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. |
Ý kiến bạn đọc